Tiêu thụ lúa đông - xuân ở ĐBSCL: Tiếp tục rớt giá, khó bán

Tiêu thụ lúa đông - xuân ở ĐBSCL: Tiếp tục rớt giá, khó bán

Thứ ba, 17/03/2015, 15:32 GMT+7

Khó bán được lúa, nên nhiều nông dân phơi ngay tại ruộng để chờ giá nhóng lên trong thời gian tới. Ảnh: LỤC TÙNG
Khó bán được lúa, nên nhiều nông dân phơi ngay tại ruộng để chờ giá nhóng lên trong thời gian tới. Ảnh: LỤC TÙNG

Không chỉ tìm cách kéo dài thời gian thực hiện “giao kèo”, có lái còn chấp nhận bỏ cả tiền đặt cọc để “né” thu mua. Vì vậy, dù chấp nhận hạ giá bán, nhưng nông dân ĐBSCL vẫn khó tiêu thụ được lúa ngay trong thời điểm thu hoạch rộ.

Bán lúa khô với giá lúa tươi

Trở lại Đồng Tháp lần này, chúng tôi muốn tìm thấy hình ảnh “tích cực” trong tiêu thụ lúa của nông dân sau nửa tháng “mua tạm trữ” có hiệu lực. Nhưng thực tế “không như mong đợi”. Dọc hai bên đường từ ngã ba Thanh Bình vào các huyện Tam Nông, Tân Hồng, vựa lúa của tỉnh Đồng Tháp, tấp nập cảnh nông dân phơi lúa trên đường xen lẫn với những ụ lúa chất cao như núi… “Đã quá hạn giao kèo hơn chục ngày, hối thúc mãi lái mới “gật đầu”, nhưng thu hoạch xong, lại hẹn 3 ngày nữa mới cân”, đang cùng hai con trai chất hơn 20 tấn lúa vào sân trước nhà, ông Nguyễn Văn Ngọc, ấp 3 (Tân Mỹ - Thanh Bình - Đồng Tháp) không kìm được uất ức: “Giao kèo bán lúa tươi với giá 4.600đ/kg, nhưng bây giờ lúa đã 110 ngày tuổi, khô queo trên cây, mỗi công bị “nhót” trên chục ký. Nay phải tốn thêm tiền vận chuyển lúa về nhà… nhưng không biết đến bao giờ mới bán được?”.

Không phải vô cớ mà ông Ngọc lo không bán được lúa trong thời điểm lệnh mua tạm trữ có hiệu lực nửa tháng. Bởi dù chấp nhận hạ thấp thêm 300đ/kg, nhưng ông Ngọc vẫn không tìm được người mua 7 công lúa trồng giống OM 6976 (chất lượng cao) còn lại trên phần đất 30 công của mình dù cây lúa đã bước sang ngày thứ 112. Ngồi bên đống lúa cao ngất trước nhà, sau một hồi ngao ngán với bài toán trang trải chi phí, vốn vay ngân hàng… ông Ngọc dứt khoát: “Có lái đồng ý mua, lỗ chút đỉnh cũng bán”. Trong khi đó, nhiều nông dân lại không có được cái quyền định đoạt này khi bị dồn đẩy vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trồng 4ha lúa Jasmine 95, cách đây 10 ngày được lái đến đặt tiền cọc mua với giá 4.800đ/kg lúa tươi, bà Bùi Thị Diện (Tân Mỹ - Thanh Bình) mừng ra mặt dù lúa đã 115 ngày. Tuy nhiên thu hoạch xong, lái hẹn thêm 4 ngày mới đến cân. Theo nhiều “lão nông tri điền”, đó là “chiêu” mà các cò và thương lái dùng để ép giá mua để giảm thiểu thua lỗ trong bối cảnh giá mua đang “bát nháo” như hiện nay: Đặt cọc rồi kéo dài thời gian mua khiến nông dân “đắm đuối” rồi nhảy vào “thương lượng”, buộc nông dân “lại quả” 50-100đ/kg… Trong khi đó, tại An Giang, giá lúa cũng giảm thêm bình quân 100đ/kg. Cụ thể theo Sở NNPTNT, giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.100đ/kg, lúa OM 4218 cũng chỉ còn 4.400đ/kg (tại ruộng).

Ụ lúa cao như núi chất sát mé đường từ huyện Thanh Bình vào huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: LỤC TÙNG.
Ụ lúa cao như núi chất sát mé đường từ huyện Thanh Bình vào huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: LỤC TÙNG.

Khó lại chồng chất khó

Để có tiền trang trải chi phí sản xuất, chị Huỳnh Thị Trinh (huyện Thanh Bình - Đồng Tháp) chấp nhận bán OM 6976 (113 ngày tuổi) với giá 4.400đ/kg, tức tương đương giá lúa chất lượng thấp (IR 50404). Do bị ép trả thêm tiền bốc vác, cho lực lượng thu mua trực tiếp bưng bê lúa trong quá trình cân, theo chị Trinh có khả năng gây thất thoát trọng lượng trong cân lúa nên chị đã quyết định ngừng bán. Và cũng như nhiều nông dân có vốn, chị Trinh giữ lúa lại để chờ giá tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khả năng này rất thấp.

“Dù đã có được hợp đồng 240.000 tấn gạo sang Malaysia và 300.000 tấn sang Philippines nhưng không đủ kìm giá lúa giảm”, Th.S Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - lý giải: Một phần do ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch 5 triệu tấn lúa, một phần do Hiệp hội Lương thực Việt Nam bỏ giá thầu thấp hơn mức giá ban đầu và phân bổ chỉ tiêu không phù hợp với khả năng dự trữ của các doanh nghiệp trong từng tỉnh cụ thể, khả năng xuất khẩu cũng như diện tích vùng nguyên liệu mà các địa phương đang nỗ lực xây dựng”. Trong khi đó, theo Th.S Tuyên khả năng bù đắp từ các vụ sản xuất còn lại trong năm 2015 là rất thấp bởi hạn hán, dịch bệnh và nạn xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa của ĐBSCL. “Theo dự báo, nhiệt độ trung bình trong mùa nắng sẽ cao hơn nhiệt độ bình quân nhiều năm 0,5-1,5 độ C sẽ tác động đến tăng trưởng và năng suất cây lúa”, Th.S Tuyên nhấn mạnh: “Ngoài ra hạn hán và thiếu nước tưới ổn định cũng sẽ tác động tiêu cực đến diện tích lúa các khu vực phía bắc và Bắc Trung Bộ”.

Tuy nhiên, như cá trên thớt, trong bối cảnh ế ẩm, bị bỏ rơi như hiện nay, người trồng lúa ở ĐBSCL không dừng lại ở sự thua thiệt: Bán lúa khô với giá lúa tươi, trong khi đó khả năng tăng giá lại rất mong manh… mà còn đối mặt với nguy cơ thua thiệt với khâu thanh toán vì chủ ghe mua lúa không có tiền mặt.

Không ai phủ nhận ý tưởng nhân văn, tích cực của chương trình “tạm trữ”, nhưng thực tế cho thấy, “tạm trữ” nhưng không giúp người dân đạt mức lãi tối thiểu từ lúa.  

 

 


Người viết : Lục Tùng (Laodong)