Tìm cơ hội từ "đáy kim tự tháp"

Tìm cơ hội từ "đáy kim tự tháp"

Thứ hai, 23/03/2015, 09:22 GMT+7

ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp so với các vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của vùng thời gian qua còn nhiều khó khăn. Kinh doanh theo mô hình tối đa hóa lợi nhuận nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cơ bản phục vụ cho nhóm dân cư thu nhập thấp (còn gọi là “đáy kim tự tháp”) được xem là một hướng mở, giúp doanh nghiệp tìm cơ hội kinh doanh trong nông nghiệp.

Xác định tiềm năng

 Đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp giúp gia tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Trong ảnh: Trồng hoa theo mô hình nuôi cấy mô  tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy.
Đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp giúp gia tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Trong ảnh: Trồng hoa theo mô hình nuôi cấy mô tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL được đánh giá là khu vực năng động có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, hải sản, trái cây... phục vụ cho nhóm dân cư theo mô hình “đáy kim tự tháp”. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Hiện tại vùng ĐBSCL có tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ thấp hơn 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặt khác, cơ sở hạ tầng dần được cải thiện, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp khá nhanh, có nhiều hộ kinh doanh cá thể doanh thu lớn trong nông nghiệp. Trong đó, có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu với thu nhập hàng tỉ USD. Ngoài ra, vùng còn có nhiều viện, trường đại học, vườm ươm công nghệ… Với những tiềm năng này, ĐBSCL có thể dựa trên nền tảng nông nghiệp để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Song do thiếu nguồn lực tài chính, tiếp cận những sáng kiến mới, những thông tin quan trọng… để gia tăng hiệu quả khi đầu tư vào nông nghiệp, nên ĐBSCL rất cần những công nghệ từ nước ngoài; thay đổi cấu trúc hạ tầng về giao thông vận tải, khai thác nguồn lực tại chỗ... Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin, sáng kiến mô hình nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ cho thị trường dân cư “đáy kim tự tháp” là những cú những cú hít ban đầu rất quan trọng, tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trong nông nghiệp.

Tại hội thảo “Cơ hội kinh doanh trong nông nghiệp và nhóm “đáy kim tự tháp” từ quan điểm xã hội và kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Phòng Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Israel vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Curtis W. Person, Giám đốc Sáng kiến chiến lược, Chương trình giáo dục toàn cầu, Đại học Tel AViv, cho biết: Việc áp dụng mô hình “đáy kim tự tháp”, phát triển kinh doanh trong nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, có ý tưởng kinh doanh mới… tăng thêm thu nhập. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện giải pháp chia nhỏ chi phí, nguồn tiền đầu vào, chi phí vận chuyển... Song song đó, doanh nghiệp cần chú ý chuỗi giá trị sản phẩm, kiểm soát chi phí sản xuất, như: phân bón, giống… Ngoài ra, cần có những giải pháp công nghệ sản xuất mặt hàng nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường “đáy kim tự tháp”.

Chia sẻ cơ hội kinh doanh

Ông Curtis W. Person, Giám đốc Sáng kiến chiến lược, Chương trình giáo dục toàn cầu, Đại học Tel AViv, chia sẻ: Có nhiều mô hình kinh doanh trong nông nghiệp phục vụ cho nhóm dân cư thuộc thị trường “đáy kim tự tháp” tại Israel và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cụ thể: Hệ thống trồng trọt kỹ thuật không cần đất, trồng cây trong nước hoặc sử dụng yếu tố hữu cơ khác nhau dựa vào nhu cầu sẵn có tại vùng thành thị… Để thực hiện những mô hình này đạt hiệu quả, theo ông Curtis W. Person, doanh nghiệp cần tổ chức thị trường, sản xuất những mặt hàng nông sản phù hợp với điều kiện sẵn có và đặc biệt là phải đáp ứng được nhu cầu thị trường cho nhóm dân cư thu nhập thấp.

Liên quan đến mô hình đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả trên, cuối năm 2014, tại Hội thảo “Israel và sức mạnh đột phá của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” được tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, các mô hình và công nghệ hiện đại của Israel cần được áp dụng tại ĐBSCL nhằm tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự kế thừa này phải có sự chọn lọc và uyển chuyển với từng tình huống. Theo ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ở vùng sa mạc của Israel, rau củ được trồng và sống trên các giá thể nên việc cung cấp nước, phân bón bằng hệ thống tưới nhỏ giọt là cần thiết. Riêng ở Việt Nam cây được trồng trên nền đất thì việc áp dụng công nghệ này linh hoạt, phù hợp như ở những nơi khô hạn, thiếu nước… Ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ, đề xuất: “Các tỉnh, thành nên khẩn trương đưa mô hình và công nghệ của Israel vào áp dụng cho nông nghiệp của ĐBSCL. Nếu địa phương nào triển khai, có mô hình cụ thể, công ty chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Chúng ta phải bắt tay vào làm mới có thể rút kinh nghiệm, từ cái cụ thể mới ra chủ trương lớn hơn được…”.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, bày tỏ băn khoăn: Theo xu thế chung, người tiêu dùng luôn quan tâm đến các mặt hàng nông sản đảm bảo an toàn sức khỏe, trong đó có khách hàng thuộc “đáy kim tự tháp”. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, HACCP… hay ứng dụng các công nghệ tiên tiến sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành của hàng hóa nông sản. Do đó, làm thế nào để cho khách hàng thuộc nhóm “đáy kim tự tháp” tiếp cận mặt hàng nông sản sạch? Ngoài ra, ĐBSCL có nguồn nông sản dồi dào, nhưng để sản xuất được hàng nông sản sạch, phục vụ cho khách hàng thuộc “đáy kim tự tháp” với giá cả hợp lý cần những giải pháp nào? Theo ông Curtis W. Person, Giám đốc Sáng kiến chiến lược, Chương trình giáo dục toàn cầu, Đại học Tel Aviv, doanh nghiệp cần xem xét chi phí phân bổ, chi phí vận chuyển… để quyết định giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp phục vụ cho nhóm khách hàng “đáy kim tự tháp” cần tìm đối tác hợp tác chia sẻ chi phí với những doanh nghiệp chuyên cung cấp nông sản phục vụ cho thị trường “đáy kim tự tháp” để kiểm soát chi phí. Bên cạnh đó, tìm kiếm công nghệ bổ trợ để giảm chi phí sản xuất, xác định môi trường kinh doanh… để tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Israel là quốc gia có nhiều thế mạnh nông nghiệp kỹ thuật cao, với những chương trình đổi mới sáng tạo, vận dụng kinh doanh để tạo nên sự khác biệt. Kinh doanh trong phân khúc thị trường “đáy kim tự tháp”, mức độ phù hợp với Việt Nam nói chung và với ngành nông nghiệp ở vùng ĐBSCL nói riêng. Các ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp, những thách thức, khó khăn cho các hộ nông dân cá thể trong việc tìm nguồn tài chính… từ Israel sẽ tạo cơ hội học hỏi những kinh nghiệm kinh doanh nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, những mô hình hợp tác kinh doanh công nghệ trong nông nghiệp của Israel cũng là cách để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu là những người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, giúp doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng nông sản tại vùng ĐBSCL tiếp thu, tạo ra những cơ hội hợp tác, biến những nông sản thô vùng ĐBSCL thành những sản phẩm có giá trị cao.

 

 


Người viết : M.Hoa ( Báo Cần Thơ )