Tìm lời giải cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam

Tìm lời giải cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam

Thứ hai, 19/01/2015, 15:01 GMT+7

Ảnh minh họa. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân, tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần có chính sách lâu dài để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Lời giải cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp đã được đề cập đến tại Hội thảo "Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: từ chính sách đến thực tiễn," được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17/1.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp là công cụ, là sự điều chỉnh của một số yếu tố và mối quan hệ ngoại lai. Cần phải điều chỉnh lại mô hình hợp tác xã, tái cơ cấu hợp tác xã, nâng cao hiệu quả qua hình thức hợp tác, liên kết thành những tổ, đội sản xuất để tạo thành chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Không chỉ phát triển chuỗi giá trị nông sản mà còn phải phát triển chuỗi giá trị thực phẩm, tái cấu trúc thị trường đầu vào và đầu ra.

Liên quan đến vấn đề thu mua trong nông nghiệp, phân tích tình hình thực tế hiện nay, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tái cơ cấu khâu thu mua. Sở dĩ Việt Nam có 12 cây, con năng suất sinh học cao nhất thế giới nhưng nông dân vẫn nghèo là vì từng hộ không có khả năng đàm phán với người thu mua sản phẩm, người cung cấp nguyên liệu.

Theo ông, phải quy hoạch đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch khác, xác định nhóm ngành hàng chiến lược, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của nông nghiệp, nông thôn, đầu tư phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có hệ thống sản phẩm quốc gia, đồng bộ về giống, xây dựng trung tâm giống quốc gia hỗ trợ các loại giống tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh cho nhà nông và hình thành trung tâm đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm vùng.
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

 

Một nội dung quan trọng nữa được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhắc đến trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, đó là thiết lập mối quan hệ mới tốt hơn giữa khoa học với nông dân, thông qua khoa học-nông dân-hợp tác xã, thông qua tổ chức trung gian để đạt hiệu quả cao nhất. Nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao, phải có thị trường bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhìn lại thực tiễn 30 năm qua, các đại biểu cho rằng để tạo động lực cho sự phát triển cần phải đổi mới thông qua các chính sách đúng quy luật, hợp lòng dân, đặc biệt là đổi mới về tổ chức, về chính sách và cơ chế quản lý. Những chủ trương Khoán 10, Khoán 100 vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã khơi dậy các tiềm năng to lớn ẩn dấu trong từng hộ gia đình nông dân, từ chỗ không thiết tha đến ruộng đất, nông dân đã có ý thức chăm sóc và sử dụng đất đai có hiệu quả hơn. Nhờ đó, nông nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, tạo được những thành tựu liên tục trong nhiều năm liền.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn với kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức.

Theo giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, vật tư và các nguồn lực tự nhiên khác. Động lực cho sự tăng trưởng nông nghiệp dường như bị chững lại, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang rất cần những động lực mới để tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Viên cho rằng đi sâu xem xét các tiểu ngành trong ngành nông nghiệp cho thấy nhiều bất cập. Để tiếp tục đổi mới và phát triển, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu một cách hiệu quả và bền vừng. Vấn đề đặt ra là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nhìn chung thấp vì trình độ khoa học công nghệ sản xuất thấp và tính phân mảnh, manh mún của sản xuất. Nông trại gia đình là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu.

Chuỗi giá trị nông sản chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu hình thành ở một số ngành hàng. Doanh nghiệp chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, động lực công nghệ cao của nông nghiệp chỉ mới nha hình thành, nông dân nhỏ đơn lẻ, thiếu vốn và không tham gia vào các liên kết ngang, dọc trong chuỗi giá trị. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn kém đầu tư cho nông lâm thủy sản còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc gia.

Cũng theo giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Viên, mặc dù chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng sản phẩm quốc dân, nhưng vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông nghiệp nhỏ, chỉ 5%-7% và có xu hướng giảm dần. Đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam không tăng trưởng, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp thấp.

Do luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía (điều kiện tự nhiên, thị trường, sức sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm vì phải theo chu kỳ cây trồng-vật nuôi...) nên có tới 15,6 % số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài bị giải thể trước thời hạn. Để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng cần có những chính sách mới cần thiết cho quá trình tái cơ cấu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới.

Các đại biểu đã cùng thảo luận và kiến nghị các khía cạnh quy hoạch vùng sản xuất và vùng chế biến sâu nông sản, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới cần được bắt đầu dựa trên cơ sở rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên từng vùng sản xuất đã hình thành theo quy hoạch, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở này xác định rõ về quy mô diện tích các loại cây trồng, vật nuôi có năng lực cạnh tranh sẽ tiếp tục duy trì và quy mô diện tích các loại cây trồng không có năng lực cạnh tranh sẽ phải thay đổi bằng cây trồng, vật nuôi khác, nghề khác có năng lực cạnh tranh cao hơn, có lợi thế hơn và phù hợp hơn với điều kiện các nguồn lực về tự nhiên-kinh tế và xã hội tại chỗ đồng thời, tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa vào quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả nước và ở từng vùng, hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa lớn, tập trung theo từng sản phẩm chủ lực, trước mắt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu như: lúa gạo, càphê, cao su, điều, chè, tiêu, tôm cá… gắn với chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch nguồn lực tích tụ, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, gắn kết người sản xuất và tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển... đã được đại biểu đề cập tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng cần lạnh mạnh hóa việc phân chia hiệu quả của chuỗi giá trị, người sản xuất tạo ra của cải thực sự là nông dân nhưng chỉ được chia lại 30% giá trị cuối cùng của sản phẩm, doanh nghiệp bỏ ra 20%-30% công sức nhưng lại hưởng đến 70% là không công bằng.

Thứ trưởng đưa ra quan điểm trong sản xuất nông nghiệp mô hình hợp tác xã là mô hình phù hợp để phân chia lại chuỗi giá trị, chừng nào sự phân chia này còn thì nông nghiệp sẽ phát triển không bền vững. Đây cũng là quan điểm của nhiều đại biểu khi cho rằng cần xem xét mối quan hệ của các tác nhân trên thị trường nhằm đảm bảo lợi ích công bằng trong chuỗi giá trị, tránh tình trạng nông dân sản xuất nhỏ với khả năng thương lượng kém bị những doanh nghiệp có sức mạnh thị trường ép giá.

Tăng cường nhận thức cho cả doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc liên kết trong chuỗi, một nhóm tác nhân trong chuỗi thiếu hợp tác sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tác nhân khác và giảm lợi ích của tất cả chuỗi, giá thành vì thế sẽ tăng và sức cạnh tranh của nông sản giảm./.

 

 


Người viết : Theo Vietnam+