Theo hãng tin AP, trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 10-8, sắc xanh đã xuất hiện gần như toàn bộ các sàn chứng khoán châu Á sau khi thị trường đón nhận các số liệu kinh tế trái chiều từ hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc lo nợ xấu
Trong phiên giao dịch đầu, chỉ số chứng khoán TOPIX và NIKKEI của Nhật Bản tăng từ 6% - 8%, đạt 1.332 điểm. Chỉ số chứng khoán SHANG HAI của Trung Quốc tăng 4%, ở mức 3.928 điểm. Chỉ số chứng khoán của Australia tăng 0,63%, đạt 5.509 điểm. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,38% xuống 2.003 điểm. Ông Shane Oliver, chiến lược gia tại AMP Capital có trụ sở tại Sydney (Australia), dự đoán trong vài tháng tới thị trường chứng khoán sẽ vẫn bất ổn do chịu sự chi phối từ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong năm nay.
Người dân Trung Quốc theo dõi chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Thượng Hải.
Bắc Kinh vừa công bố số liệu cho thấy lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua tăng 1,6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ nước này đặt ra là 3%/năm. Bên cạnh đó, xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 8,3%, nhập khẩu cũng giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, càng làm gia tăng lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất châu Á. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm sau khi đạt đỉnh vào tháng 6, khiến chính phủ nước này thêm phần lo ngại bởi sự bất ổn của hệ thống tài chính có thể cản trở những nỗ lực phục hồi tăng trưởng. Một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ đã được Bắc Kinh tung ra để cứu thị trường chứng khoán. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cảnh báo rằng, nới lỏng chính sách có thể sẽ không phát huy hiệu quả hỗ trợ các công ty. Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hạn chế chi tiêu, trong khi các ngân hàng cũng không muốn cho vay rộng rãi vì lo ngại nợ xấu gia tăng.
Kinh tế Mỹ, Nhật Bản khởi sắc
Trong khi đó, Washington công bố số liệu cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 215.000 việc làm mới trong tháng 7 vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn định ở mức “đáy” của 7 năm qua, làm tăng thêm hy vọng về hướng khởi sắc của kinh tế Mỹ. Báo cáo của FED mới đây khẳng định, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang dần hướng tới mục tiêu đề ra khi ở mức dưới 2%. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 6 năm về trước, đây là đợt giá cả hàng tiêu dùng leo thang mạnh nhất. Đợt tăng giá này cho thấy, nhiều doanh nghiệp Mỹ cuối cùng cũng đã đủ tự tin để tăng giá các mặt hàng và dịch vụ của mình mà không sợ khách hàng “quay lưng”. Động lực chính đẩy lạm phát Mỹ tăng trong năm nay là giá thuê nhà. Theo số liệu chính thức từ Chính phủ Mỹ, giá thuê nhà ở tại nước này trong tháng 6 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái - tháng thứ năm liên tiếp con số này tăng với cùng mức đó, đồng thời cũng là mức tăng nhanh nhất trong 6 năm qua.
Trong ngày 10-8, Chính phủ Nhật Bản công bố thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong 6 tháng đầu năm nay là 8.183,5 tỷ Yen (khoảng 66 tỷ USD), mức cao nhất tính từ 6 tháng cuối năm 2010 do giá dầu thô giảm dẫn tới kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh trong khi thu nhập tăng nhờ đồng Yen yếu. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, cán cân thương mại của nước này trong 6 tháng đầu năm nay thâm hụt 422 tỷ Yen, thấp hơn nhiều so với mức 6.201,4 tỷ Yen cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 5,9% trong khi nhập khẩu giảm 8,8%. Ngoài yếu tố nhập khẩu dầu thô giảm, cán cân thương mại của Nhật Bản được cải thiện cũng nhờ xuất khẩu tăng trong bối cảnh các nền kinh tế nước ngoài phục hồi nhẹ.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, đồng Yen yếu cũng góp phần tăng thu nhập của Nhật Bản từ hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, hỗ trợ thu hút khách du lịch nước ngoài. Lượng khách du lịch đến Nhật Bản được ghi nhận mức cao kỷ lục kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1996.