TP HCM: Rau vào siêu thị - liệu có sạch?

TP HCM: Rau vào siêu thị - liệu có sạch?

Thứ hai, 06/04/2015, 11:43 GMT+7

Thực tế cho thấy, rau, củ bán trong các siêu thị tại TP HCM hiện nay còn “thật-giả lẫn lộn”.

Với 10 triệu dân, mỗi ngày TP HCM tiêu thụ khoảng hơn 127 tấn rau, củ. Rau, củ được phân phối tại 124 chợ truyền thống và gần 100 siêu thị. Với nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều người dân thành phố đã tìm đến siêu thị để mua rau, củ với mong muốn được dùng rau “sạch”. Tuy nhiên, do lượng rau an toàn có hạn nên một số siêu thị đã nhập rau từ nhiều nguồn, không đảm bảo chất lượng, thậm chí có cả hàng Trung Quốc.

Siêu thị Lotte Mart tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM mỗi ngày bán ra gần 1 tấn rau, củ. Trừ một số loại được trồng từ các hợp tác xã rau an toàn trên địa bàn TP HCM, còn lại là những loại rau được nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Ở quầy rau, những thông tin được ghi chung chung như: Cải bắp Hà Nội, khoai tây Đà Lạt, tỏi Lý Sơn… Tại đây, khách hàng phải “mỏi mắt” để tìm những loại rau có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Rau củ quả vẫn được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Rau củ quả vẫn được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Giá một số loại rau được siêu thị này mua của các hợp tác xã rau an toàn cụ thể như rau muống nước, mướp hương 13.000 đồng/kg, cải ngọt, cải xanh 12.500 đồng/kg, khổ qua 11.500 đồng/kg, dưa leo, giá sống 10.000 đồng/kg, bầu, bí đao 9.000 đồng/kg, đậu bắp 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán ra ở đây đắt gấp đôi các chợ truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Thu Ba, ở phường 12, quận Tân Bình cho biết, dù thấy ở siêu thị bán rau sạch nhưng không rõ có sạch không, không thể phân biệt được rau ở siêu thị có khác gì với những loại rau bán ở ngoài chợ. Trong khi giá rau trong siêu thị cao hơn rất nhiều so với rau bán ngoài chợ.

Siêu thị tiêu thụ rau nhiều nhất tại TP HCM là Saigon Co.op, mỗi ngày bán ra khoảng 55 tấn rau, củ. Đại diện của đơn vị này cho biết, các loại rau, củ bán ở đây đa số đều đạt chuẩn VietGap của các nhà vườn tại TP HCM và Đà Lạt. Do tính chất của sản phẩm phải tiêu thụ trong ngày nên việc kiểm soát các sản phẩm bị lỗi, hỏng do thời tiết, thời gian lưu trên kệ…khó tránh khỏi sơ xuất.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đơn vị này đã nhập rau, củ từ nhiều nguồn chứ không chỉ tại hai địa chỉ nói trên. Với hơn 150 ha diện tích trồng rau an toàn, TP HCM chỉ sản xuất ra mỗi ngày hơn 40 tấn. Hiện nay, các hợp tác xã trồng rau an toàn tại thành phố cũng chỉ trồng được khoảng 40 loại rau, củ, trong khi siêu thị Saigon Co.op bán số lượng lên đến hơn 140 loại.

Việc bán các loại rau không rõ nguồn gốc không những làm ảnh hưởng đến thương hiệu rau an toàn của các hợp tác xã mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi không được kiểm định. Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng các loại rau, củ của các ngành chức năng TP HCM rất lỏng lẻo.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ nhiệm Liên tổ rau an toàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cho biết, TP HCM chỉ có khoảng 5-6 Hợp tác xã rau an toàn, chỉ sản xuất được một vài loại rau nhất định trong khi thị trường cung cấp rau cho thành phố rất lớn. Cơ quan chức năng cần phải có khuyến cáo để người dân đều biết đến rau an toàn để lựa chọn cho đúng.

Việc quản lý và kiểm định chất lượng rau, củ nhập vào các siêu thị tại TP HCM hiện nay được giao cho 3 cơ quan là Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở NN&PTNT. Tuy nhiên, do các cơ quan này phối hợp thiếu chặt chẽ với nhau nên việc kiểm tra mặt hàng này bấy lâu nay chưa tốt. Còn các siêu thị thì dựa vào các thương lái để nhập rau vào mỗi ngày.

Trong khi đó, chẳng ai quản lý được đội ngũ thương lái này. Trên thực tế, chỉ khi nào xảy ra ngộ độc thực phẩm thì các cơ quan này mới vào cuộc. Việc buông lỏng của các nhà quản lý cũng khiến các siêu thị lo lắng về sự an toàn của sản phẩm rau, củ mà họ nhập vào.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Marketting Bic C Việt Nam cho biết, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cần có hai sự nỗ lực. Thứ nhất là từ những nhà cung cấp, những người sản xuất và kinh doanh mặt hàng rau VietGap. Nỗ lực thứ hai là từ phía các nhà quản lý phải tạo điều kiện cho các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tốt và kiểm soát được mặt giá thành.

Người tiêu dùng khó nhận biết được chất lượng của rau an toàn.
Người tiêu dùng khó nhận biết được chất lượng của rau an toàn.
Điều đáng buồn là hiện nay, sản phẩm rau an toàn do người nông dân TP HCM sản xuất ra chỉ tiêu thụ được khoảng 50% ở các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học. Trong khi đó, các siêu thị thì phải nhập rau từ nhiều nguồn, khó kiểm soát chất lượng. Điều đó cho thấy, giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với người nông dân chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết, trong quá trình tổ chức tiêu thụ sản phẩm rau an toàn còn nhiều vấn đề. Cần có sự trao đổi, đặc biệt là phải có cơ chế, chính sách và thỏa thuận giữa nhà cung cấp với bộ phận kinh doanh mặt hàng này. Nếu nhà cung cấp không cung cấp những sản phẩm an toàn, không tạo được tâm lý tin cậy đối với khách hàng, về lâu dài, sản phẩm rau an toàn sẽ không tiêu thụ được.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân TP HCM về rau, củ sạch, các đơn vị phân phối cần hợp tác chặt chẽ hơn với người nông dân để tạo vùng nguyên liệu và kiểm soát chất lượng của sản phẩm.

Thực tế cho thấy, rau, củ bán trong các siêu thị tại TP HCM hiện nay còn “thật-giả lẫn lộn”. Còn người dân thành phố thì đang mong chờ vào trách nhiệm trong công tác quản lý mặt hàng này của các ngành chức năng.

 

Người viết : Thành Trung(VOV)