TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới: Thay đổi toàn diện vùng nông thôn ngoại thành
Thứ năm, 03/09/2015, 09:03 GMT+7
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TPHCM đã cho thấy những chuyển biến toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nông nghiệp - nông dân - nông thôn; hình thành nên những vùng nông thôn đô thị hiện đại, văn minh, giàu đẹp; nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng quê nghèo đang từng ngày thay da đổi thịt; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện… Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc.
Đồng chí NGUYỄN VĂN ĐUA, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM: Gắn liền với phát triển nông thôn đô thị
Tuy nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố, nhưng địa bàn 5 huyện ngoại thành là nơi sinh sống trực tiếp của trên 1,5 triệu người. Nông dân thành phố đóng góp hết sức to lớn trong kháng chiến, chịu nhiều hy sinh mất mát; xuất phát điểm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội rất thấp, nên nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là vấn đề trọng yếu được Thành ủy TPHCM các thời kỳ đặc biệt quan tâm. Trong các nghị quyết của Thành ủy đều xác định rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vì dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới phải hướng trước mắt vào giải quyết có kết quả những vấn đề thiết thực, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, mang lại hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn.
Công ty Điện lực Duyên Hải (Tổng Công ty Điện lực TPHCM) kéo điện lưới về xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) |
Là vùng ngoại thành của một đô thị đặc biệt, nông thôn TPHCM có những thuận lợi to lớn về thị trường, về khoa học công nghệ, về nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng…; đồng thời có những thách thức rất lớn về thu nhập, về chênh lệch giàu nghèo với nội thành, về ô nhiễm môi trường tự nhiên và những biến đổi xã hội, về biến động đất đai, tăng dân số cơ học do đô thị hóa rất nhanh… Những đặc trưng đó dẫn đến làm thay đổi tư duy và hành động trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với phát triển nông thôn đô thị; có những điều chỉnh căn bản một số tiêu chí về thủy lợi, trường học, thu nhập, hộ nghèo, giáo dục và môi trường cho phù hợp với đặc thù.
Quá trình 5 năm thực hiện, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, huy động được cả hệ thống chính trị vào tham gia các nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã tạo được khí thế đồng thuận trong nhân dân, thu hút được nguồn lực quan trọng từ xã hội. Đã có 8.122 hộ dân tự giác hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích 841.570m2 đất (chiếm 30% tổng diện tích đường giao thông nông thôn đã thực hiện) và nhiều công trình, vật kiến trúc với tổng giá trị hơn 713 tỷ đồng; cộng đồng dân cư đóng góp hơn 97% trong tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng đầu tư chăm lo việc học, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường… Những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi cơ bản và toàn diện vùng nông thôn ngoại thành TPHCM những năm qua.
Đồng chí LÊ MINH TẤN, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Củ Chi: Huyện nông thôn mới đầu tiên của TPHCM
Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) được Trung ương chọn là một trong 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Thành phố cũng chọn xã Thái Mỹ làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, nhân dân huyện Củ Chi. Từ tháng 5-2009, xã Tân Thông Hội chính thức bắt tay vào xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và lúc đó đã có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn. Đến tháng 11-2011, xã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Đối với xã Thái Mỹ, lúc bắt đầu thực hiện đề án, xã đã đạt 7/19 tiêu chí và cũng hơn 2 năm sau thì hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Qua 5 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn. TPHCM đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó đã huy động được nguồn lực của nội thành hỗ trợ ngoại thành, huy động cộng đồng đầu tư vào nhiều công trình phục vụ lợi ích dân sinh, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới và giúp cho nhiều xã sớm hoàn thành xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới. TRẦN NGỌC HỔ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM |
Kinh nghiệm thực tế từ 2 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới đã giúp cho 18 xã còn lại trong huyện học tập, rút ra được nhiều bài học quý báu, từ công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện đến tạo điều kiện về cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát huy khả năng, thế mạnh của mình, cùng trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, mỗi địa phương, mỗi địa bàn dân cư đều chủ động đưa ra những cách làm hay, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Đến tháng 4-2015, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, huyện Củ Chi được Chính phủ công nhận đạt nông thôn mới, trở thành huyện đầu tiên của TPHCM về đích trước trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Củ Chi tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các xã nông thôn mới với mục tiêu nâng chất và phấn đấu vượt xa chuẩn các tiêu chí, để huyện sớm trở thành huyện nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, phát triển.
Ông BÙI HÒA AN, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè: Lòng tin của dân với Đảng, chính quyền được nâng lên
Cái được lớn nhất từ kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới là đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Nhà Bè trước kia. Ở mọi nơi, đâu đâu người dân cũng thấy có mặt cán bộ chính quyền và các đoàn thể xuống tận địa bàn tham gia với dân, cùng bàn bạc những công việc giúp làm ăn sinh sống, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe…, đã làm cho người dân càng thấy yên tâm, tin tưởng nhiều hơn.
Một thành công khác của Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân thấy khá rõ, đó là đường sá đi lại, các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng khang trang hơn, giúp người dân đi lại, làm ăn sinh sống thuận lợi hơn. Các chương trình xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân cách làm ăn hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng hộ khá giả trên địa bàn. Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa bàn khó khăn của huyện Nhà Bè gần như được “lột xác”. Một diện mạo mới mang tầm vóc phát triển của một đô thị nông thôn văn minh, hiện đại và phát triển đang làm thay đổi toàn bộ huyện Nhà Bè - địa phương nhiều năm xếp vào diện nghèo của thành phố.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nhà Bè nhiệm kỳ mới vừa được thông qua đã có hẳn một chương trình trọng điểm tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững, trong đó có chỉ tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% hiện nay lên hơn 90%; thu nhập bình quân đầu người từ 41,8 triệu đồng/người/năm hiện nay lên gần 70 triệu đồng/người/năm. Đây là một mục tiêu khó, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chắc chắn sẽ hoàn thành sớm nhất với kết quả cao nhất.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua thành phố đã đầu tư cho các xã của 5 huyện ngoại thành nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (tiêu chí 2 đến tiêu chí 9). Tính đến nay, đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư được 5.196 công trình, bao gồm: giao thông - 1.107 công trình, thủy lợi - 321 công trình, điện - 477 công trình, trường học - 133 công trình, cơ sở vật chất văn hóa - 445 công trình, chợ - 42 công trình, bưu điện - 26 công trình, y tế - 24 công trình, 16 công trình khác và xóa 2.605 căn nhà tạm, dột nát.
Chỉ riêng về công trình giao thông đã nâng cấp, duy tu được 136km đường trục xã, liên xã; làm mới, nâng cấp 400km đường trục ấp, liên ấp, trục xóm, liên xóm và làm mới, nâng cấp gần 100km đường nội đồng. Qua đó, cơ bản giải quyết việc đi lại cho người dân ở các xã của 5 huyện ngoại thành, trong đó có nhiều địa bàn khó khăn, cách trở. Các công trình giao thông còn tạo bộ mặt khang trang, hiện đại cho các xã nông thôn mới ngoại thành TPHCM. Nguồn: Ban Chỉ đạo Thành ủy TPHCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)