Trà truyền thống Việt Nam từng bước chinh phục thế giới

Trà truyền thống Việt Nam từng bước chinh phục thế giới

Thứ sáu, 07/08/2015, 09:14 GMT+7

Nhật Bản có trà đạo, Trung Quốc có trà kinh, và những doanh nghiệp Việt Nam tâm huyết cũng đang nỗ lực để thế giới biết đến trà truyền thống mang thương hiệu Việt.

Trà Việt Nam – Giàu tiềm năng nhưng giá trị chưa tương xứng

Thiên nhiên đã ưu đãi cho đất nước ta những điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp để cây chè phát triển. Bên cạnh những đồi chè bát ngát miền trung du, Việt Nam còn tự hào về những rừng chè cổ thụ hàng trăm tuổi. Đặc biệt, rừng chè Suối Giàng (Yên Bái) là nơi bảo tồn một trong sáu cây chè cổ thụ được coi là thủy tổ của ngành chè thế giới, vừa tiêu biểu cho vẻ đẹp của di sản Việt Nam, vừa là nền tảng để có những búp trà Shan Tuyết thơm ngon thượng hạng.

Trà Suối Giàng (Yên Bái) cùng với các vùng trà Tà Xùa (Sơn La), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên) hợp thành “tứ đại danh trà” mà người yêu trà Việt không ai không biết tới. Mỗi vùng trà đều chắt lọc tinh hoa từ thổ nhưỡng, khí hậu và cái tâm của người bản địa để dâng cho đời những búp trà hội đủ sắc, vị, hương, làm say lòng người thưởng thức.

Hoàn toàn chinh phục thị trường nội địa, nhưng trà Việt Nam lại chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang là một trong 5 nhà sản xuất trà hàng đầu thế giới về khối lượng, xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trà xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm sơ chế đóng gói chứ chưa sản xuất được trà thành phẩm, khiến doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi.

Nguyên do là bởi chất lượng trà của Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, tạp chất, kim loại nặng… của nhiều thị trường khó tính như Châu Âu hay Mỹ. Có những vùng nguyên liệu chỉ đủ cung cấp cho một nhà máy nhưng có tới cả chục đơn vị tranh mua, các nhà máy thiếu nguyên liệu nên không thể quản lý chặt khâu đầu vào, do đó đưa đến chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến uy tín của trà Việt Nam.

Ngoài ra, còn muôn vàn lý do khác như trình độ thu hái, bảo quản kém, máy móc và trang thiết bị không đồng bộ. Giới kinh doanh nước ngoài vào Việt Nam luôn ép giá, còn các doanh nghiệp trong nước thì tranh nhau bán nguyên liệu thô mà ít quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.

Tất cả những bất cập đó khiến trà Việt Nam tuy rất giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hành trình nâng cao chất lượng và thương hiệu cho trà Việt Nam
Hành trình nâng cao chất lượng và thương hiệu cho trà Việt Nam

Theo PGS.TS Đỗ Văn Chương, Cố vấn Thẩm định chất lượng của thương hiệu trà quà tặng cao cấp Btea: “Đầu tư chiều sâu để làm ra những sản phẩm chất lượng và đẳng cấp chính là lối đi phù hợp nhất cho ngành trà Việt Nam ở thời điểm hiện tại”.

Xuất phát từ nhận thức rằng chất lượng sản phẩm mới chính là yếu tố cốt lõi, Btea rất chú trọng việc chọn lựa vùng trà đặc trưng, đầu tư kỹ lưỡng về máy móc, kỹ thuật, cử chuyên gia xuống tận nơi để hướng dẫn bà con về công nghệ thu hái, quy trình chế biến và bảo quản chè theo tiêu chuẩn Việt Gap.

Đặc biệt, các sản phẩm trà đều được kiểm tra tại nguồn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay tạp chất. Nhà xưởng, công nghệ đều được đảm bảo theo quy trình tiên tiến, sản phẩm được đóng gói trong túi hút chân không hoặc hộp kín, bảo quản bằng điều hòa lạnh để giữ nguyên hương vị.

Bên cạnh đầu tư về chất lượng thì xây dựng thương hiệu cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Để gia tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của từng thị trường, đồng thời phải có sự quảng bá hợp lý để người nước ngoài biết đến trà Việt Nam rộng rãi hơn.

Tín hiệu đáng mừng là lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư làm thương hiệu một cách bài bản, đem hương vị trà truyền thống đến với thế giới qua những thước phim tràn đầy niềm tự hào và trân trọng. Giờ đây, bạn bè quốc tế đã có thể có cái nhìn trực quan về rừng chè cổ thụ tại Tà Xùa – Yên Bái dưới sự thu hái thủ công của những phụ nữ H’mong, hay tận mắt ngắm nhìn đồi chè Tân Cương – Thái Nguyên xanh mướt trải dài trong nắng mới.

Như vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế chính là hướng đi đúng đắn nhất cho các doanh nghiệp trà Việt Nam trên hành trình chinh phục thị trường thế giới.

 


Người viết : P.V (Dân trí )