Trăm cái khó, đổ về nông dân!

Trăm cái khó, đổ về nông dân!

Thứ sáu, 06/05/2016, 16:00 GMT+7

Ông Nguyễn Tấn Tài
Nông dân xã Long Định (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

“Nhà tui trồng 3.000m2 chanh bông tím (còn gọi là chanh Tàu). Tui làm nông từ nhỏ đến lớn, nên hiểu rõ tác dụng độc hại của các loại thuốc trừ sâu hàng ngày phun cho cây trồng. Chanh là loại cây có múi không dễ ăn, vì thường bị sâu hại trái, lá, thân cành và thường bị các loại bệnh khiến cây chết. Thông thường, vườn chanh cứ 15-20 ngày phải phun thuốc ngừa sâu bệnh một lần, mỗi lần phun thì từ thân cành đến lá cây đều ướt đẫm thuốc. Hiện nay trên thị trường vật tư nông nghiệp đang có hàng ngàn loại thuốc trừ sâu bệnh và chắc chắn loại nào cũng độc hại. Thế nhưng gần đây sâu bệnh ngày càng kháng thuốc và mỗi lần kháng thuốc thì nông dân lại phải tìm đến những loại thuốc đặc trị có tác dụng mạnh hơn. Biết làm như vậy là nguy hiểm nhưng không phun thuốc trừ sâu bệnh thì vườn cây ăn trái sẽ chết hết, lấy gì để sinh sống, trả nợ?

Tiến sĩ Lê Hữu Hải
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tiền Giang

Phát động nông dân sản xuất lúa, cây ăn trái và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P là phù hợp với xu hướng sản xuất hiện đại để có sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Nhưng khi vận động nông dân thực hiện tiêu chuẩn Global G.A.P cần phải tính toán đến những rủi ro, bất cập và đặc biệt là khâu tiêu thụ. Yếu tố tiên quyết để sản phẩm Global G.A.P thành công là phải có doanh nghiệp nhận bao tiêu toàn bộ với giá cả phù hợp. Canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P rất tốn kém, công phu, nông dân phải tuân thủ hơn 230 tiêu chí kỹ thuật của quy trình sản xuất, trong đó có hơn 140 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện. Chi phí kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn G.A.P hơn 100 triệu đồng/lần, sau một năm lại phải kiểm tra, đánh giá đế tái cấp chứng nhận mới, rất tốn kém. Nhiêu khê như vậy nhưng nếu sản phẩm Global G.A.P sản xuất ra không ai mua, phải bán theo giá thị trường tự do cho thương lái, hàng xáo thì…uổng công nhà nông, không thể nhân rộng mô hình.

Ông Đàm Văn Hưng
Chủ DN Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre)

Trong tình hình nhà nông ngày càng lạm dụng thuốc trừ sâu bệnh, nông sản sạch là vấn đề rất cấp bách, đặc biệt là đối với những đặc sản được xác định là chủ lực xuất khẩu. Tôi nhớ mấy năm trước, lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tôi mang trái bưởi da xanh Bến Tre sang Luân Đôn (Anh) dự một hội chợ quốc tế để giới thiệu đặc sản thì tôi từ chối. Lý do đơn giản là lúc đó trái bưởi da xanh tuy ngon có tiếng nhưng chẳng được canh tác theo một tiêu chuẩn nào hết, nếu không muốn nói đó là trái bưởi không sạch, vậy thì giới thiệu làm chi? Tôi biết hiện nay đã có nhiều nhà nông canh tác nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng Viet G.A.P, Global G.A.P, nhưng diện tích rất nhỏ, nên khi có đơn đặt hàng số lượng lớn rất khó thực hiện. Song song đó, nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P, Global G.A.P, canh tác rất cực nhọc, tốn kém nhưng khi đưa ra thị trường thì giá bán chẳng hơn nông sản không sạch, nên đa số nhà nông vẫn chọn canh tác theo tập quán.


Người viết : Theo Tạp chí Nông thôn Việt