Trắng tay vì lúa nhiễm mặn
Thứ hai, 16/03/2015, 16:07 GMT+7
Hàng trăm ha lúa của nông dân đang trong giai đoạn làm đòng thì bỗng dưng khô héo rồi chết sạch trong khi nhiều diện tích chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị thiệt hại nặng nề
Theo đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, hiện có khoảng 400 ha lúa đông xuân của hơn 200 hộ dân ở xã Lình Huỳnh và Thổ Sơn, huyện Hòn Đất bị thiệt hại nặng nề do nhiễm nước mặn.
Tiền đâu trả nợ, tái sản xuất?
Theo ghi nhận ban đầu của các cơ quan chức năng, trong quá trình nạo vét cửa biển Lình Huỳnh, đơn vị thi công có nạo vét bùn đưa về lấp đoạn kênh từ cống Lình Huỳnh đến kênh 11. Trong khi thổi bùn, nước mặn và bùn từ biển đã thẩm thấu, làm vỡ bờ bao chảy tràn xuống kênh 200 và kênh 11 làm nhiễm mặn 2 con kênh này. Người dân bơm nước từ các con kênh này vào ruộng lúa làm lúa chết.
Cho đến nay, độ mặn trên kênh 200 và kênh 11 vẫn còn khá cao. Một số diện tích lúa đông xuân ở khu vực này đang trong giai đoạn ngậm sữa, trổ đòng, người dân vẫn không dám bơm nước vào ruộng. “Thà để lúa chết khô do thiếu nước may ra còn vớt vát được chút ít, còn bơm nước mặn vào sẽ thất thu hoàn toàn” - một người dân nơi đây cho biết.
Ông Danh Hai, ngụ ở ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, bức xúc: “Đây là 2 con kênh dùng để tưới tiêu cho các cánh đồng nơi này mà để nước mặn tràn vào thì chết dân! Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết cho người dân bởi thiệt hại quá lớn. Ai gây ra hậu quả này thì phải bồi thường chứ không thể để nhà nước hỗ trợ theo kiểu bị thiên tai”.
Theo người dân nơi đây, 1 ha lúa vụ đông xuân cho thu hoạch khoảng 10 tấn lúa. Thế nhưng, vụ này mỗi ha chỉ còn thu hoạch được 1,4 tấn mà còn bị thương lái từ chối thu mua vì lúa không đạt chất lượng. “Chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ vay ngân hàng, mua phân bón, thuốc trừ sâu và các thứ khác, thậm chí còn không có tiền để xuống giống vụ tới” - nhiều người dân buồn bã.
Người dân bị thiệt hại nặng nề do lúa chết vì bị nhiễm mặn |
Chối bỏ trách nhiệm
Theo ông Giang Thành, Chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh, đơn vị thi công công trình này là Tổng Công ty 319 thuộc Bộ Quốc phòng. Trong quá trình thi công, địa phương có tham gia giám sát và đã nhiều lần nhắc nhở đơn vị này phải bảo đảm an toàn bờ bao cũng như tuân thủ thiết kế vị trí đổ bùn nhưng do chấp hành không nghiêm nên mới xảy ra chuyện như vậy. “Hiện chúng tôi đang kiến nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý các công trình thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm ngưng việc nghiệm thu công trình và buộc đơn vị khắc phục hậu quả” - ông Thành cho biết.
Về vấn đề này, ông Giang Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho rằng: “Việc thi công nạo vét bùn có làm ảnh hưởng đến một số khu vực sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Đơn vị thi công không thực hiện tốt việc thiết kế và đổ đất đúng quy định. Thậm chí, có nhiều thông tin chúng tôi đã cho cảnh sát môi trường xác minh và phát hiện đơn vị này đã mang bùn ra đổ ngoài biển. Việc làm này còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và sinh kế của ngư dân đánh bắt ven bờ”.
Thế nhưng, qua các buổi làm việc với các ngành chức năng cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện đơn vị thi công đã phủ nhận trách nhiệm. Theo đơn vị này, trong quá trình thi công, họ đã luôn tuân thủ đúng thiết kế là bơm lấp ao và kênh tiêu có bờ bao để bảo đảm có cống thoát nước. Ngoài ra, đơn vị cũng đã ngưng bơm bùn kể từ ngày 3-1.
Ai làm sai, người ấy đền!
Theo tính toán của các hộ dân, nếu lấy mức đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha thì với 414 ha lúa sẽ có tổng thiệt hại hơn 8 tỉ đồng. Còn nếu tính bình quân thu hoạch 7 tấn/ha, bán với giá thấp hiện nay khoảng 4.000 đồng/kg (lúa tươi) thì nông dân mất khoảng 14,5 tỉ đồng.
Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khẳng định: “Nếu lúa chết do con người gây ra thì ai làm sai phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhà nước chỉ hỗ trợ khi nào nông dân đang sản xuất mà bị thiên tai”.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)