Thích hợp trên vùng đất… bỏ hoang
Địa bàn trồng thử nghiệm cây lúa mì được tỉnh Lào Cai triển khai nằm trên địa bàn 9 xã của huyện Bát Xát. Một trong những đặc trưng của vùng khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta là vào mùa đông luôn có rét đậm, rét hại và thiếu nước, nên có rất nhiều cây trồng bị chết. Do đó, ngoài canh tác một vụ lúa, đa phần diện tích đất nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc bị bỏ hoang. Chỉ tính riêng tỉnh Lào Cai, có khoảng 500.000ha diện tích đất chỉ cấy một vụ còn lại là bỏ không.
Cánh đồng lúa mì tại Bát Xát (Lào Cai). |
Theo ông Nguyễn Đức Ca – Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, chủ trương đưa cây lúa mì vào trồng tại vùng núi cao để xoá đói, giảm nghèo là dự án do UBND tỉnh Lào Cai thực hiện từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2010-2020. Qua lần trồng thử nghiệm giống lúa mì Vân Tạp 5 của Trung Quốc trên diện tích 50ha tại 9 xã của huyện Bát Xát, từ cuối tháng 12.2014 đến nay cho thấy, cây lúa mì phát triển rất tốt. Năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha.
Theo thống kê của tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có hơn 500.000ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ 1/3 trong số này là canh tác được 2 vụ, còn lại là canh tác 1 vụ và bỏ không vào mùa đông do thời tiết mưa rét. Theo tính toán, nếu đưa cây lúa mì vào trồng ở vụ đông thì sẽ giúp cho Lào Cai tăng thêm được 1 vụ với khoảng 20.000 tấn lúa mì mỗi năm. Còn nếu đưa cây lúa mì vào trồng đại trà ở vùng núi Tây Bắc, sẽ giúp cho hàng chục ngàn hộ gia đình có thêm thu nhập, hạn chế được thiếu đói, nhất là vào mùa giáp hạt.
Vẫn cần phải thận trọng
Quan điểm
Ông Trần Đình Long Theo tôi, phải có điều tra, khảo sát cụ thể với cây lúa mì, rồi từ đó có đề án phát triển lúa mì để tổ chức sản xuất bài bản. Còn đầu ra thì tôi nghĩ không lo, hiện một năm chúng ta vẫn nhập tới hơn 2 triệu tấn lúa mì, khi có sản lượng tốt sẽ có nhà máy chế biến vì chế biến lúa mì là không khó.
|
Thực tế, sau 4 năm khảo sát tại Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã khẳng định: Cây lúa mì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu mùa đông ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực Tây Bắc thường xuyên có rét đậm, rét hại. Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, tưởng trồng lúa mì là rất hay, nhưng khi làm cần có đủ các điều kiện như: Có giống tốt và kỹ thuật nhân giống, và cả kỹ thuật canh tác tốt. Tức là phải có các kỹ thuật tối thiểu, làm đất như thế nào, bón phân như thế nào… để năng suất đạt ít nhất cũng phải 4-5 tấn/ha.
“Tôi cho rằng cây trồng này có triển vọng nhưng phải xác định được rõ từng vùng khí hậu. Chẳng hạn, ngay ở Tây Bắc, huyện nào, vùng nào thì phải quy hoạch cụ thể. Cây lúa mì ưa mát, có thể chịu được rét nhưng lại phải khô, độ ẩm nếu cao thì bệnh nhiều và không thu hoạch được”- ông Long nói.
Trao đổi với NTNN, ông Phan Văn Khánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An Việt- đơn vị cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm lúa mì trên địa bàn Lào Cai khẳng định, trong vụ đông tới sẽ mở rộng diện tích lúa mì lên ít nhất 1.200ha.
Theo ông Khánh, ngoài hơn 40ha ở Bát Xát, công ty cũng thí điểm ở Sơn La với diện tích hẹp rất thành công. “Vấn đề lép hạt là số lượng nhỏ, còn chim ăn là do trồng thí điểm ở diện tích hẹp, chúng tôi không cam kết đền bù cho việc chim ăn. Một số diện tích ở Bát Xát (Lào Cai) do ở khu vực quá cao, khi trổ bông không có nắng nên không thể kết hạt, sang vụ đông năm nay, chúng tôi sẽ thí điểm ở khu vực khác, mức dự kiến tối thiểu cũng là 1.200ha. Dù tới đây không có tài trợ, chúng tôi cũng vẫn triển khai”- ông Khánh nói. Cũng theo ông Khánh, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 2,7 triệu tấn bột mì các loại để làm bia, làm thức ăn chăn nuôi. Nếu giá lúa mì chỉ cao hơn ngô khoảng 10% thì chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ lựa chọn lúa mì vì dinh dưỡng cao hơn và có chất kết dính tốt. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp hỏi mua sản phẩm lúa mì của chúng tôi dù mới chỉ trồng thử nghiệm.