Nhằm tận dụng tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng miền núi, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã liên kết với Viện Di truyền nông nghiệp triển khai mô hình trồng nấm lim xanh (linh chi) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 2/2015, mô hình trồng nấm lim xanh được triển khai ở 10 hộ thuộc HTX SX tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động, quy mô mỗi hộ SX 1.000 bịch.
Theo các hộ tham gia thì trồng nấm lim xanh đòi hỏi kỹ thuật khá khắt khe, tưới nước sạch, theo dõi nhiệt độ thường xuyên và điều chỉnh độ ẩm phù hợp...
Sau 3 tháng chăm sóc, nấm lim xanh đã cho thu hoạch, giá bán khá cao, hơn 1 triệu đồng/kg. Có hộ ước đạt thu nhập khoảng 80 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Hải thôn Han 2, xã An Lập cho biết, ông có hơn 500 m2 đất đồi trồng các loại cây cho thu nhập không cao nên đã chuyển đổi thành lán trại trồng nấm.
Ngoài nấm sò, nấm rơm SX bằng kỹ thuật đơn giản, ông còn trồng, chăm sóc mộc nhĩ, nấm mỡ và đặc biệt là áp dụng trồng nấm lim xanh cho thu nhập khá cao. Trong vụ thu hoạch nấm vừa qua đã mang lại cho gia đình ông hơn 150 triệu đồng tiền lãi.
Chị Lường Thị Lan ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, sau khi được tập huấn nghề trồng nấm, cuối năm 2013, chị dựng lán trại để trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm lim xanh.
Nhờ từ thu nhập từ bán nấm mà gia đình chị từng bước cải thiện đời sống, thu nhập kinh tế ngày càng cao...
Với hiệu quả thiết thực từ trồng nấm, nhiều nông dân trong tỉnh và tỉnh bạn đã đến Sơn Động học hỏi kinh nghiệm. Một số xã viên của HTX trồng nấm Sơn Động đã vay vốn ngân hàng, đầu tư mở rộng lán trại trồng nấm. Vì vậy diện tích và sản lượng nấm thương phẩm ngày càng tăng.
Ngoài ra, để giúp các hộ dân thuận lợi trong việc tiếp cận kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu sản phẩm, huyện đã thành lập HTX SX, tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu do ông Nông Văn Rót là Giám đốc.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, nghề trồng nấm đã giúp người dân vùng cao Sơn Động đẩy lùi đói nghèo, chung tay bảo vệ tài nguyên rừng. |
Cùng với mở rộng diện tích trồng nấm của gia đình, ông Rót còn trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho xã viên. Từ 30 hộ trồng nấm trên địa bàn huyện đầu năm 2014, đến nay HTX đã có hơn 200 thành viên ở nhiều xã tham gia.
Với các loại nấm sò, nấm mỡ… sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng lại phải chuẩn bị nguyên vật liệu cho vụ mới nhưng với nấm lim xanh được cấy trên thân gỗ keo, thì 1 bịch nấm có thể cho khai thác trong vòng 1,5 - 2 năm. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của SX nấm dược liệu.
Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm này khá thuận lợi, đến vụ thu hoạch, thương nhân ở Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội… tìm đến tận nơi để thu mua.
Ông Hoàng Văn Thông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Động cho biết: “Kết quả ban đầu cho thấy nấm lim xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện có chính sách hỗ trợ phôi giống, bịch nấm cho các xã viên HTX.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng nấm dược liệu hàng hóa”.
Nếu như nấm lim xanh trước đây chỉ có trong rừng Sơn Động thì hôm nay đã có ở ngay vườn nhà nhờ bàn tay chăm sóc của nông dân.