Tự tạo cơ hội: Lên núi nuôi gà sạch
Thứ ba, 12/04/2016, 10:38 GMT+7
Với cách thức nuôi gà sạch theo kiểu riêng của mình, số lượng gà nuôi tại trang trại của anh Nguyễn Đức Thuận không đủ cung cấp ra thị trường.
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, làm việc cho một công ty cổ phần ở Quảng Ngãi có mức thu nhập khá nhưng với bản tính thích tự lập nên sau khi dành dụm được ít vốn liếng, anh Thuận (năm nay 41 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) quyết định “bỏ phố” lên núi lập trang trại.
Suốt nhiều tháng tìm hiểu thị trường ở Quảng Ngãi, anh nhận thấy tại các nhà hàng, quán ăn lượng gà tiêu thụ rất mạnh song xuất xứ gà nuôi ở đâu, có đảm bảo chất lượng hay không thì người tiêu dùng hoàn toàn mù tịt. Nghiền ngẫm nhu cầu thực tế thị trường cần số lượng gà thương phẩm có chất lượng thịt ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, anh Thuận quyết định chọn giống gà Lạc Thủy - giống gà bản địa quý hiếm có nguồn gốc từ H.Lạc Thủy (Hòa Bình), được Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) bảo tồn và nhân giống. Sau khi chọn mua được gà giống ưng ý, tháng 8.2015, anh bắt đầu thuê đất tại thôn Phú Thuận Tây, xã Nghĩa Thuận, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô lớn.
Trang trại rộng hơn 2 ha được chia thành 10 khu riêng biệt, ban đầu anh Thuận chỉ dám nuôi với số lượng 1.000 con. Do “tay ngang” chưa có kinh nghiệm nên sau 5 tháng xuất bán lứa đầu tiên, lượng gà hao hụt lên đến hơn 30%. Không hề nản, anh tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức, tiếp tục nhập gà giống Lạc Thủy về nuôi với số lượng mỗi đợt khoảng 1.000 con, đồng thời chuyển cách chăm sóc, nuôi dưỡng để gà phát triển tốt, không bị dịch bệnh.
Anh Thuận tính toán, để có đủ nguồn thức ăn chủ yếu cho 6.000 con gà, anh phải thuê rất nhiều nhân công trồng, chế biến cỏ, bèo. Hơn nữa, trồng 2 loại này chiếm quá nhiều diện tích đất trang trại, nước tưới nên đẩy chi phí chăn nuôi lên cao. Trong khi đó, dùng giá đậu xanh và lúa ủ mầm xay trộn với cám bắp hoặc cám gạo thì chỉ cần 2 nhân công là đủ nên chi phí giảm hẳn. “Gà giống sau khi nhập về đến lúc 21 ngày tuổi, tui chỉ cho ăn cám bắp hoặc cám gạo, sau đó thả ra vườn mới bắt đầu xay trộn cùng giá đậu xanh và lúa ủ mầm. Hai loại này là thức ăn xanh rất giàu dinh dưỡng giúp gà tăng trọng nhanh, màu lông mướt, sức đề kháng cao. Lúc gà trưởng thành, nhờ đủ dinh dưỡng nên thịt rất ngon, chắc”, anh Thuận chia sẻ kinh nghiệm và cho biết thêm trong môi trường nuôi thả nên hằng ngày phải dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, đồng thời hợp đồng với cán bộ thú y địa phương thường xuyên tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ để gà nuôi trong trang trại luôn khỏe mạnh.
Với phương cách nuôi gà sạch bằng loại thức ăn tổng hợp “độc nhất vô nhị” ở Quảng Ngãi mà anh Thuận nghĩ ra và áp dụng đã giúp anh bước đầu tạo dựng được thương hiệu. Cứ sau 5 tháng, anh lại xuất bán một lứa gà Lạc Thủy thương phẩm, trọng lượng gà mái 1,5 kg/con, gà trống 1,8 - 2 kg/con, giá bán 180.000 đồng/con, tùy sự chọn lựa của người tiêu dùng.
Theo anh Thuận, nuôi gà Lạc Thủy theo cách riêng của mình tuy thời gian nuôi lâu, chi phí cũng cao hơn nuôi các loại gà khác nên lợi nhuận chỉ đạt khoảng 15% so với tổng mức đầu tư nhưng bù lại có được sản phẩm sạch nên bán rất chạy. “Hiện nhu cầu thị trường rất lớn nhưng do trang trại mới lập nên không đủ lượng gà sạch cung cấp ra thị trường. Nhiều khách hàng đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhưng tui chưa dám ký hợp đồng”, anh Thuận cho biết.
Trước nhu cầu của thị trường đang hút nguồn thực phẩm sạch, anh Thuận dự tính tiếp tục thuê đất, mở rộng trang trại thêm 10 ha để nâng tổng đàn gà Lạc Thủy lên 30.000 con và xúc tiến thiết kế logo, bộ nhận diện, xây dựng đăng ký thương hiệu “Gà ta Thuận Phát”, nhằm khi đưa sản phẩm gà ra thị trường người tiêu dùng nhận biết được ngay, từ đó yên tâm sử dụng. “Dù mới chập chững bước vào nuôi gà nhưng với cách thức nuôi như vậy tui nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng nên trong vài năm tới sẽ thu hồi được vốn đầu tư và có lãi”, anh Thuận tin tưởng.
Người viết : Hiển Cừ (Thanh Niên)
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)