Ưu tư nhân vụ cà phê Xin chào

Ưu tư nhân vụ cà phê Xin chào

Thứ sáu, 06/05/2016, 16:01 GMT+7

Cuối cùng, vụ án quán cà phê Xin chào ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã bị đình chỉ. Ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn đã được minh oan. Hưởng sự “thơm lây”, ông chủ cho thuê đất Nguyễn Văn Bỉ cũng được minh oan. Và vụ án cái chòi vịt đối với ông Bỉ cũng có khả năng được đình chỉ. Chúng ta vui mừng, phấn khởi vì công lý đã được thực thi, sự lạm quyền đã được ngăn chặn.

Tuy nhiên, “vui là vui ngượng kẻo mà”, hai vụ án trên đang nói lên quá nhiều điều đáng phải băn khoăn về sự lạm dụng quyền lực công và về cuộc mưu sinh đầy khó khăn, bất ổn của những người dân “thấp cổ, bé họng”.

Trước hết, ông Nguyễn Văn Tấn đã được minh oan như một sự may mắn nhiều hơn là một sự tất yếu. Ông Tấn đã rất may mắn khi vụ việc của ông lọt vào mắt xanh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng, các cơ quan hữu quan đã vào cuộc tức thì, và vụ việc của ông Tấn đã được xử lý hết sức rốt ráo. Giả sử vụ việc của ông không được Thủ tướng biết đến, thì không biết ông có thoát được vòng lao lý hay không? Trung thực mà nói, câu trả lời sẽ là không. Bởi vì rằng các căn cứ pháp lý và các cấu thành tội phạm đã được tạo ra đầy đủ cho ông. Công an Bình Chánh đã phạt vi phạm hành chính trước và “tạo cơ hội” cho ông Tấn tiếp tục vi phạm để vi phạm hành chính của ông trở thành tội phạm hình sự. (Một vi phạm hành chính đã bị xử lý, nếu vẫn tiếp tục được lặp lại sẽ trở thành tội hình sự). Án tại hồ sơ, tất cả các chứng cứ pháp lý này đều được thu thập đầy đủ. Mà như vậy, thì ít có cơ hội cho ông Tấn thoát tội. Câu hỏi thứ hai mà chúng ta cần đặt ra ở đây là có bao nhiêu người sẽ may mắn được như ông Tấn? Trung thực mà nói, câu trả lời sẽ là rất ít. Thủ tướng là người rất bận rộn. Đơn giản là Thủ tướng không thể bỏ công việc của hàng triệu người để xử lý công việc của từng người. Mà như thế thì có bao nhiêu “ông Tấn”, “ông Bỉ” đang đối mặt với rủi ro của tình trạng quyền lực công bị lạm dụng trên đất nước của chúng ta? Vấn đề đặt ra là chúng ta phải thiết kế được một cơ chế giám sát quyền lực công thật sự hiệu quả. Và quan trọng nhất là phải biến tòa án thành công cụ để người dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hơn là thiết chế để trừng phạt sự vi phạm như hiện nay.

Băn khoăn thứ hai là tại sao Công an Bình Chánh lại hành xử theo cách gây tổn hại cho người dân hơn là bảo vệ lợi ích của họ? Đáng ra Công an Bình Chánh phải bảo vệ quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của ông Tấn, ông Bỉ, thì vị lãnh đạo công an huyện lại tìm mọi cách gây khó dễ cho những cố gắng mưu sinh của hai ông này. Đáng ra, Công an Bình Chánh phải hướng dẫn, phải giúp đỡ để người dân không vi phạm pháp luật, thì vị lãnh đạo công an huyện lại chỉ canh rình, thậm chí tạo căn cứ để một vi phạm hành chính trở thành một tội phạm hình sự. Rõ ràng, động cơ của ông trưởng công an huyện là có vấn đề. Làm rõ động cơ này là rất quan trọng để giải thích tại sao quyền lực công lại bị lạm dụng một cách tệ hại như vậy. Theo quy định của Hiến pháp mới năm 2013, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan Nhà nước kể cả hành pháp cũng như tư pháp là bảo vệ quyền con người. Thế nhưng có vẻ như chúng ta vẫn chưa kịp chuyển đổi cách nghĩ, cách hành xử của các cơ quan nói trên theo yêu cầu mới của Hiến pháp. Những việc liên quan đến sinh mệnh của người dân vẫn bị coi là “việc bé như cái móng tay”. Trong lúc đó, pháp luật chỉ tốt đẹp ngang bằng với mức nó được áp dụng thế nào trong cuộc sống. Các cơ quan thực thi pháp luật không thay đổi cách hành xử, thì các quy định tốt đẹp của pháp luật chỉ chủ yếu nằm ở trên giấy mà thôi.

Băn khoăn thứ ba là về tình trạng lạm dụng sự điều chỉnh trong hoạt động lập pháp ở nước ta. Cuộc sống của người dân có vẻ như đang bị điều chỉnh quá mức cần thiết. Đến việc xây một chiếc chuồng vịt cũng phải xin phép, mở một quán cà phê cũng phải xin đủ loại giấy chứng nhận, thì sự mưu sinh của người dân sẽ khó khăn, tốn kém biết nhường nào?! Muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp, muốn kinh tế phát triển nhanh chóng, chắc chắn chúng ta phải bảo đảm một khoảng không gian rộng lớn cho tự do và sáng tạo. Lạm dụng điều chỉnh chỉ làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt, sự mưu sinh của người dân trở nên tốn kém, nhọc nhằn và tham nhũng, cửa quyền có cơ hội bùng phát như dịch bệnh mà thôi.

 


Người viết : TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Tạp chí Nông thôn Việt)