Vải thiều Hải Dương lần đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ

Vải thiều Hải Dương lần đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ

Thứ năm, 26/03/2015, 14:04 GMT+7

Vải Thanh Hà, Hải Dương. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Vải Thanh Hà, Hải Dương. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Những ngày này, người trồng vải ở Lại Xá (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) như tất bật hơn các mùa vải trước. 

Nhưng vượt lên trên những vất vả ấy là niềm vui chưa từng có vì họ đang chuẩn bị cho lô hàng vải thiều đầu tiên của tỉnh Hải Dương xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Niềm vui trước mùa vải mới

Tháng Ba, vườn vải thiều của gia đình bà Nguyễn Thị Lụa (thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy) đang trong giai đoạn hoa nở rộ. Gia đình bà Lụa có 19 gốc vải. Vụ 2014 vườn vải của gia đình bà cho sản lượng 1,5 tấn. Năm nay, gia đình bà Lụa là một trong những hộ tiêu biểu của xã được chọn thí điểm trồng vải để xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên thời điểm này, bà Lụa hầu như ở ngoài vườn vải kiểm tra hoa, phun thuốc, dọn vườn...

Vừa nghỉ tay, bà Lụa hồ hởi cho biết: “Được tin vải quê mình sắp được sang thị trường Mỹ, nông dân chúng tôi ai cũng náo nức. Chúng tôi đã được các cán bộ nông nghiệp về tập huấn kỹ thuật, cách thức chăm sóc, thu hoạch, hướng dẫn các tiêu chuẩn đối với quả vải muốn xuất khẩu được sang thị trường Mỹ." 

Bà Lụa cũng cho biết bà đã ký cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa năm hoạt chất bị Mỹ cấm đối với vải thiều để chất lượng quả vải tốt hơn và đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xã Thanh Thủy có 25ha vải thiều đang sản xuất theo quy trình VietGAP, trong số đó có 10ha được chọn thí điểm trồng để xuất đi Mỹ năm 2015. Cùng với gia đình bà Lụa, xã Thanh Thủy còn 86 hộ gia đình cũng trong diện này.

Theo ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, hầu như toàn bộ diện tích nông nghiệp của xã đã được chuyển sang trồng vải. Những năm gần đây, giá trị quả vải đã được nâng lên rất nhiều, cây vải có vị thế rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân địa phương. 

Ông Khoa cho biết: “Tham gia dự án VietGAP trong thời gian qua, người nông dân đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây, việc quả vải Hải Dương sắp tiếp cận thị trường Mỹ là một thông tin rất phấn khởi với người nông dân trong xã. Xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Chúng tôi luôn xác định làm tốt nhất để quả vải đủ điều kiện xuất sang tiêu thụ ở thị trường Mỹ."

Trong tháng Ba này, phía Mỹ đã kiểm tra và cấp hai mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ cho 20ha vải thiều của Hải Dương. Cụ thể, ở xã Thanh Thủy có 10ha với sự tham gia của 87 hộ nông dân và ở xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh) có 10ha với 10 hộ nông dân. Như vậy, Hải Dương có 97 hộ tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ trong dịp này.

Cam kết nâng cao chất lượng

Tính đến nay, tỉnh Hải Dương có 10.500ha trồng vải thiều. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây vải thiều theo hướng sản phẩm an toàn, từ năm 2012 đến nay, Hải Dương đã thực hiện mô hình vải sản xuất theo quy trình VietGAP. Hàng năm có trên 1.000ha sản xuất theo VietGap để cấp giấy chứng nhận, qua đó, năng suất và chất lượng quả vải ngày một tăng lên.

Vừa qua, sau khi có thông tin từ phía Mỹ quyết định mở cửa thị trường cho quả vải thiều Hải Dương, ngành nông nghiệp tỉnh này đã có các biện pháp để chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện sớm đưa lô hàng vải thiều đầu tiên sang Mỹ trong vụ thu hoạch tới. 

Đến thời điểm này, Sở đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị phổ biến những tiêu chuẩn, quy định của Mỹ, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu, có định hướng thu mua vải của miền Bắc xuất sang Mỹ trong niên vụ 2015 trong đó có Hải Dương. Sau đó, Sở đã tích cực xây dựng kế hoạch và trình tỉnh phê duyệt. 

Hiện nay, Sở đang chỉ đạo các địa phương tích cực chỉ đạo kỹ thuật cho nông dân hai vùng đã được Mỹ cấp mã số vùng trồng. Thời điểm này là giai đoạn cao điểm phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cho vải. 

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cho biết: “Tới đây, chúng tôi tiếp tục phổ biến cho bà con những quy định, hướng dẫn bà con nông dân phun các loại thuốc phòng và trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh sương mai, đảm bảo không sử dụng các hoạt chất phía Mỹ cấm." 

Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị trực tiếp phối hợp các địa phương tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình phòng trừ sâu bệnh cho vải từ nay đến cuối vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho quả vải. Chi cục này đã cử sáu cán bộ giám sát hai vùng trồng, sâu sát hướng dẫn, kịp thời tư vấn cho bà con nông dân tham gia mô hình.

Để quả vải hai vùng đã được cấp mã số đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm từ phía Mỹ và đưa được vải vào thị trường này ngay trong niên vụ vải 2015, song song với việc chỉ đạo sản xuất, ngành nông nghiệp Hải Dương cũng tích cực phối hợp với các địa phương đồng bộ nhiều biện pháp. 

Sở nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không bán thuốc có năm hoạt chất bị Mỹ cấm; tổ chức cho các hộ tham gia mô hình ký cam kết không sử dụng thuốc có năm hoạt chất cấm đối với vải thiều khi xuất khẩu đi Mỹ; yêu cầu các đại lý thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực cam kết không bán cho nông dân sản xuất vải xuất khẩu đi Mỹ những thuốc có chứa năm hoạt chất bị Mỹ cấm đối với vải thiều.

Các hộ nông dân trồng vải đang đặt nhiều hy vọng vào việc mở rộng thị trường cho quả vải sang nước ngoài. “Trước đây việc trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm thông thường, khi đưa ra thị trường cũng ồ ạt và không được giá, nhưng từ khi được tập huấn theo quy trình vải VietGAP thì mẫu mã và chất lượng quả vải hơn hẳn trước, bán ra thị trường cũng được giá hơn. Sắp tới, quả vải được xuất khẩu sang Mỹ, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm hơn để quả vải được tiêu thụ ngày càng tốt hơn," bà Lụa cho biết.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cũng khẳng định sẽ tích cực cùng Sở Công Thương tăng cường và chủ động kết nối với các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp và hỗ trợ họ trong các công đoạn để đưa thử nghiệm sang thị trường Mỹ cũng như định hướng để xuất khẩu tiếp trong những năm tiếp theo. Điều quan trọng là tạo được cạnh tranh trên thị trường, tăng giá.

Cây vải thiều là một trong những nông sản thế mạnh của Hải Dương. Ở một số vùng, đây còn là loại cây chủ lực ở địa phương mang lại thu nhập chính cho người nông dân. Hy vọng cùng với sự tích cực vào cuộc của ngành nông nghiệp, các cấp chính quyền, việc “xuất ngoại” đối với quả vải thiều Hải Dương với số lượng lớn sẽ là tương lai không xa, mang lại cho người nông dân thu nhập cao, bền vững.

 

 


Người viết : Mạnh Minh (Vietnamplus)