Vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 30/03/2016, 09:00 GMT+7

13-41-58_vi-tro-cu-htx-trong-xd-ntm
Vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được khẳng định

Để xây dựng nông thôn mới thì xã đó phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

 Đây vừa là công cụ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn vừa góp phần tạo điều kiện phát huy nội lực rất hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Có thể nói nếu hợp tác xã phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, các hợp tác xã thuộc 23 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều hoạt động có hiệu quả.

 Đặc biệt những năm gần đây, gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.

 Điều này được thể hiện thông qua các HTX đạt chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGap (HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, HTX chôm chôm Bình Hòa Phước, HTX chôm chôm Tích Khánh, HTX khoai lang Thành Đông) và đạt tiêu chuẩn VietGap (HTX rau an toàn Phước Hậu, HTX cải xà lách xoong Thuận An, HTX rau củ quả Tân Bình).

 Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được khẳng định vị thế của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ngoài nước. Bởi khi đó, các hợp tác xã ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường.

Ngoài ra, các hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân. Cụ thể, hợp tác xã đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho hợp tác xã và người dân.

Tóm lại, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thể hiện ở việc thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ đã tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Phối hợp tích cực với địa phương  triển khai công tác phân vùng sản xuất, đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao.

Thực tế, khi tham gia hợp tác xã, các thành viên được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của Nhà nước về tài chính, tín dụng, thuế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chính sách khuyến nông, khuyến công, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã…

Qua đó, góp phần giảm chi phí đầu vào do có hợp tác xã đứng ra làm công tác dịch vụ đầu mối, tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho các thành viên và nông dân bởi hợp tác xã có vị trí pháp lý, có thể giao dịch buôn bán qua hợp đồng. Điển hình là hợp tác xã nông nghiệp rau an toàn Phước Hậu, xà lách xoong Thuận An, rau củ quả Tân Bình…

Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Điều này được thể hiện rõ nhất khi hợp tác xã làm ăn tốt sẽ tăng thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách địa phương.

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 107 hợp tác xã và 01 Liên hiệp hợp tác xã. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản là 43 triệu đồng/năm, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp 34,6 triệu đồng/năm, xây dựng 46,5 triệu đồng/năm, thương mại dịch vụ 34,5 triệu đồng/năm, giao thông- vận tải 53,4 triệu đồng/năm.

 Ngoài thu nhập của người dân tăng, các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện tiêu chí số thu nhập và tiêu chí số hộ nghèo.

Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn có thể tích lũy để đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm thay đổi diện cơ bản mạo nông thôn theo hướng tích cực. Tuy còn ở mức độ khác nhau nhưng các hợp tác xã đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của các hợp tác xã.

 


Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam