Về huyện có hơn 100 tỷ phú

Về huyện có hơn 100 tỷ phú

Thứ sáu, 17/07/2015, 09:17 GMT+7

Hiện 13/15 xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã về đích nông thôn mới (NTM), 2 xã còn lại đều đã đạt 17/19 tiêu chí và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Như vậy, Đan Phượng sẽ là huyện NTM đầu tiên của thủ đô Hà Nội.

Dân biết, dân làm và dân hưởng lợi

Giờ đây, đi đến đâu, về xã nào cũng bắt gặp những con đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà mới khang trang, trường học, bệnh viện… to đẹp. Theo thống kê, đến này đã có 13/15 xã của huyện về đích NTM. Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ: “Thay đổi cái cũ tưởng dễ, nhưng không hề. Muốn làm được, trước tiên phải thay đổi tư tưởng, nhận thức của chính các cán bộ từ cấp huyện cho đến thôn. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc và được người dân đồng thuận thì mọi việc mới có thể trôi chảy được”.

Chuyển đổi hàng trăm hécta ruộng lúa sang trồng hoa, cuộc sống của nông dân Đan Phượng khấm khá rõ rệt. Ảnh: Xe đánh luống trồng hoa trên ruộng lúa tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.   Ảnh: LHT
Chuyển đổi hàng trăm hécta ruộng lúa sang trồng hoa, cuộc sống của nông dân Đan Phượng khấm khá rõ rệt. Ảnh: Xe đánh luống trồng hoa trên ruộng lúa tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: LHT

Để cụ thể hóa Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2012 - 2015”, huyện Đan Phượng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách của T.Ư, thành phố, từng bước tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng, hình thành các khu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cụm công nghiệp. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”.

Nhờ đó, sau 4 năm huyện đã xây dựng được 6 tuyến đường liên xã dài 13km, cùng 20km đường trục thôn, 136km đường ngõ xóm và 80km đường nội đồng, cứng hóa 148km kênh mương phục vụ tới tiêu cho hơn 3.100ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện hiện có 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 6.200 lao động.

Chuyển đổi 700ha đất lúa sang trồng hoa

Nếu trước đây hầu hết các xã của huyện Đan Phượng chỉ cấy lúa và hoa màu thuần túy, thì những năm gần đây, đặc biệt là sau dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ đã chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả khi toàn huyện chuyển đổi được hơn 700ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nâng giá trị thu nhập từ 120–250 triệu đồng/ha mỗi năm. 

Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn 6, xã Hạ Mỗ là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi từ đất màu sang trồng hoa ly, với hơn 1ha hoa, mỗi năm anh thu hơn tỷ đồng. Anh Xuân chia sẻ: “Đất ở Hạ Mỗ rất thích hợp cho trồng hoa ly. Cũng cùng một thửa đất, nhưng những hộ trồng hoa có thu nhập cao gấp hàng chục lần trồng lúa và hoa màu khác”.

Khác với anh Xuân, anh Đặng Văn Minh ở thôn 4, xã Trung Châu lại chọn hướng làm giàu từ việc chăn nuôi lợn. Anh Minh cho biết, trước đây anh chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng từ khi có sự dự án hỗ trợ chuyển đổi chăn nuôi vùng tập trung, anh đã mạnh dạn đầu tư. “Trung bình mỗi năm tôi nuôi khoảng 100 nái và khoảng 6.000 lợn thịt, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với thu nhập 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng” – anh Minh nói.

Ông Nguyễn Thạc Hùng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, năm 2014 thu nhập bình quân của Phúc Thọ đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo 2,2%, toàn huyện có 45 làng, 13 thôn, có 21 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa. Theo thống kê của các xã, hiện cả huyện có hơn 100 tỷ phú. 

Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Dự kiến cuối năm 2015, 2 xã Hồng Hà và Thọ Xuân sẽ về đích. Do đó, huyện đã hoàn tất hồ sơ huyện NTM gửi thành phố và thành phố cũng đã trình lên Chính phủ hiện đang chờ phê duyệt.  

 

 

Người viết : Dân Việt