Vì sao IDP hạn chế thu mua sữa?

Vì sao IDP hạn chế thu mua sữa?

Thứ tư, 14/01/2015, 11:31 GMT+7

 

Thời gian qua, việc Cty CP Sữa quốc tế (IDP) hạn chế thu mua sữa nguyên liệu tại nhiều địa phương ở miền Bắc khiến nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ “sữa đổ ra đường”.

 

Việc điều chỉnh chính sách thu mua nguyên liệu của IDP không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chung
Việc điều chỉnh chính sách thu mua nguyên liệu của IDP không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chung

 

* Cảnh báo tăng đàn bò sữa tự phát

Thực tế, đây chỉ là chính sách điều chỉnh của một DN cụ thể. Tình hình tiêu thụ lẫn giá sữa vẫn đang diễn ra ổn định.

Không nghiêm trọng tới mức phải... đổ sữa

Cuối tháng 9/2014, Cty CP Sữa quốc tế có thông báo gửi các trạm thu mua sữa không ổn định của Cty này (trong đó có các trạm tại khu vực huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Qua thống kê theo dõi sản lượng sữa nhập vào Cty các tháng trong năm, có tình trạng sản lượng sữa tại nhiều trạm thu mua rất không ổn định.

Cụ thể, sản lượng sữa tăng bất thường vào các tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau), tuy nhiên vào các tháng mùa hè lại giảm quá mạnh, có tháng chỉ đạt 20-30% so với mùa đông. Vì vậy, để ổn định SX, Cty này đã quyết định điều chỉnh chính sách thu mua.

Theo đó, căn cứ vào sản lượng bình quân từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, các tháng còn lại (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), Cty sẽ chỉ giới hạn sản lượng tăng thêm tối đa 25% so với mức bình quân từ tháng 4 đến tháng 9.

Nếu trạm nào thu mua tăng thêm sản lượng quá 25% so với mốc bình quân, Cty sẽ giảm trừ 100% đối với phí dịch vụ (không có thưởng sản lượng cao); trừ 2.000 đ/kg vào giá hỗ trợ mùa vụ. Đối với các hộ chăn nuôi không ký HĐ tiêu thụ trực tiếp với Cty, phía Cty cũng sẽ ngừng thu mua, nếu trạm thu mua vẫn cố tình thu mua của các hộ này, Cty kiên quyết không thu mua... Quy định này được áp dụng kể từ ngày 15/10/2014.

Chị Vương Thị Thủy, chủ trạm thu mua sữa cho Cty IDP tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho biết: Hiện trạm nhận thu mua sữa cho khoảng 90 hộ dân trong xã. Từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, do vào mùa đông là thời kỳ sinh sản rộ của bò sữa nên tổng sản lượng sữa mà trạm thu mua có thời điểm lên tới 2,5 tấn/ngày. Tuy nhiên từ tháng 4 đến tháng 9, sản lượng sữa sẽ giảm dần, có lúc chỉ được khoảng 1,8 tấn/ngày.

Như vậy, sản lượng sữa giữa các tháng mùa đông và các tháng còn lại trong năm thường chênh lệch từ 25-30%, cá biệt có lúc chênh 35-40%. Trong khi đó, do hạn mức tăng tối đa trong các tháng mùa đông mà Cty IDP đưa ra áp dụng từ tháng 10/2014 đến nay chỉ cho phép cao nhất là 25% so với mức bình quân, vì vậy đã dẫn tới tình trạng có một lượng sữa dư ra do vượt quá 25%.

Cụ thể thời gian qua, trung bình mỗi ngày trạm này thu vào đạt từ 2,2 - 2,5 tấn, trong khi đó, chỉ tiêu tối đa mà Cty IDP cho phép trạm thu mua chỉ khoảng 2 - 2,2 tấn/ngày. Như vậy mỗi ngày, trung bình trạm này bị thừa ra 2 tạ sữa. “Trong khi chờ Cty IDP điều chỉnh lại chính sách thu mua cho sát tình hình thực tế, trạm của chúng tôi vẫn cố gắng thu mua hết toàn bộ số lượng sữa cho bà con với mức giá ổn định 13.200 đồng/kg.

Số sữa dư thừa hàng ngày, chúng tôi cố gắng chạy máy lạnh theo đúng quy trình bảo quản để nhập gối đầu cho Cty IDP vào ngày hôm sau, một số khác không đáng kể chúng tôi bán cho các cơ sở SX bánh kẹo với giá rẻ hơn một chút. Hoàn toàn không có chuyện nghiêm trọng tới mức lo bà con phải đổ sữa” - chị Thủy cho biết.

Về chính sách điều chỉnh hạn mức thu mua sữa, chị Thủy cho rằng, có thể Cty IDP khi cân nhắc điều chỉnh mức tăng giới hạn 25% đã tính không sát với tình hình thực tế so với mức tăng trong các tháng mùa đông của bò sữa.

Vấn đề này, trong thông báo điều chỉnh chính sách thu mua, Cty IDP cũng ghi rõ: Đối với các hộ tăng sản lượng sữa quá 25% do bò sinh sản, phải báo cáo cho cán bộ của Cty xuống kiểm tra, thẩm định. Như vậy, không hẳn IDP quá cứng nhắc và làm khó nông dân trong việc mua thêm sản phẩm, mà mục đích nhằm kiểm soát sự ổn định của vùng nguyên liệu là chính.

Liên kết “có vấn đề”

Sở dĩ IDP kiên quyết không mua sản phẩm của các hộ dân không trực tiếp ký HĐ tiêu thụ với Cty, hoặc không thường xuyên bán sữa cho Cty này, bởi có tình trạng nông dân “bẻ kèo”.

 

Liên kết lỏng lẻo là nguyên nhân chính dẫn tới những rắc rối trong thu mua sữa tại Cty IDP
Liên kết lỏng lẻo là nguyên nhân chính dẫn tới những rắc rối trong thu mua sữa tại Cty IDP

 

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hà thừa nhận: Đúng là có tình trạng vào mùa hè, trong khi bò cho sản lượng sữa thấp, giá sữa trên thị trường cao nên nhiều hộ dân đã lén lút bán sữa ra ngoài thị trường, khiến lượng sữa bán cho Cty IDP tụt rất mạnh. Để xảy ra tình trạng này, theo ông Lương một phần do hợp đồng liên kết giữa Cty IDP và các hộ nuôi bò còn lỏng lẻo.

Cụ thể, Cty IDP chỉ ký HĐ với các trạm thu mua, trong hợp đồng chỉ có đính kèm các hộ dân mà không ký trực tiếp với từng hộ. Điều này đã dẫn tới tình trạng nông dân có thể tự do bán sữa ra ngoài khi giá thị trường cao, nhưng đến mùa đông, sản lượng sữa tăng lên, giá sữa ngoài thị trường tự do xuống thấp, người dân lại đổ xô vào bán cho trạm thu mua của Cty IDP khiến lượng sữa đã dư thừa càng thừa hơn.

“Thời gian qua, khi Cty IDP siết chặt thu mua, nhiều hộ dân có ý muốn nhảy sang bán cho các trạm thu mua của Cty Vinamilk, bởi Cty này thu mua với giá cao, tới 14 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, điều này là không thể, bởi Cty Vinamilk đã ký HĐ thu mua và cấp mã số đối với từng hộ dân nên họ chỉ chấp nhận tiêu thụ đối với hộ có mã số” – ông Lương cho biết.

Lỏng lẻo trong liên kết tiêu thụ khiến việc kiểm soát tăng đàn bò tại các vùng nguyên liệu của IDP cũng hết sức lộn xộn. Theo đó, đã có tình trạng tăng đàn đột ngột tại một số nơi, khiến sản lượng sữa vào mùa đông vốn đã tăng càng thêm áp lực. Một chủ trạm thu mua sữa cho Cty IDP tại xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) thừa nhận: Trong năm 2014, trong số 52 hộ dân mà trạm này thu mua sữa, đã có khoảng 70 con bò sữa tự phát tăng lên trong năm 2014.

Tới cuối năm, khi Cty IDP siết chặt thu mua, các hộ dân đành phải bán tống đàn bò này nhưng hiện lượng sữa tăng thêm do tăng đàn bò vẫn tới 100-150kg/ngày. Theo vị này, Cty IDP giới hạn cho trạm của anh mỗi ngày 1,35 tấn sữa, trong khi bình quân mỗi ngày trạm thu vào tới 1,45 – 1,5 tấn và lượng sữa vượt hạn mức chủ yếu do tăng đàn.

“Trước đây, dù trạm của tôi có thu mua thừa sữa Cty IDP cũng mua tất, vì thế tự tôi đã khuyến khích bà con tăng đàn. Không ngờ bây giờ họ lại giới hạn sản lượng như vậy” – chủ trạm thu mua này cho biết.

Cùng với việc siết chặt thu mua sữa, từ ngày 15/10/2014, Cty IDP cũng quyết định cắt giảm và điều chỉnh hạ thấp hàng loạt các khoản hỗ trợ thu mua sữa đối với các hộ dân cung cấp sữa cho IDP tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, vùng Hà Tây cũ (Hà Nội) và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh. 
Cụ thể: Cty cắt bỏ 3 khoản hỗ trợ bao gồm: chỉ tiêu nông hộ đạt chuẩn; chỉ tiêu hợp vệ sinh tại trạm thu mua và hộ đạt vệ sinh chuồng nuôi với tổng mức cắt giảm 1.000 đ/kg sữa. Cty này cũng cắt giảm mức phí dịch vụ của các trạm thu mua từ 700 đ/kg như trước đây xuống còn 500 đ/kg. 
Với mức cắt giảm này, hiện giá sữa mà Cty IDP mua cho các hộ dân tại Gia Lâm (Hà Nội) trung bình là 12.200 đồng/kg. 
Trong khi đó, theo các trạm thu mua cho các Cty sữa khác như Vinamilk, Hà Nội Milk, Cô Gái Hà Lan... vẫn đang giữ mức mua cao nhất tới 14.000 đ/kg, trung bình đạt 13.200 đ/kg, cao hơn Cty IDP khoảng 1.000 đ/kg.
Như vậy có thể nói, sự điều chỉnh về giá bán cũng như chính sách kiểm soát thu mua sữa nguyên liệu chỉ là việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh của một DN sữa là IDP. Việc tiêu thụ sữa của các Cty khác vẫn đang duy trì ổn định.

 


Người viết : Lê Bền (Nongnghiep.vn)