Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai

Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai

Thứ sáu, 18/03/2016, 14:06 GMT+7

images1270833_f0afb9581b311cd1d1febc2b789085a1

Hội nghị do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phối hợp Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tổ chức tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và các hộ nông dân.

Dự án “Duy trì và sản xuất hạt giống bố, mẹ của một số giống lúa lai 2 và 3 dòng phổ biến cho năng suất, chất lượng cao”, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện ngày 9-2-2015, với mục tiêu mỗi năm sản xuất từ 60 đến 80 tấn dòng mẹ, 15 đến 18 tấn dòng bố đạt tiêu chuẩn, có giá thành giảm đến 35% so với hạt giống nhập khẩu, bảo đảm cung cấp giống để sản xuất khoảng 2.000 ha hạt giống F1, phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao. Tổng kinh phí dự án 8,5 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian từ 2015-2017.

Các đơn vị đã thực hiện tốt quy trình kiểm soát chất lượng, tiến hành bố trí khu ruộng sản xuất, nhân dòng bố, mẹ cách ly hoàn toàn về không gian và thời gian với các lô ruộng sản xuất giống F1, ruộng sản xuất đại trà của nông dân, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Năm 2015, có bảy đơn vị từ vùng Tây Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long tham gia dự án sản xuất, duy trì và nhân dòng bố, mẹ cho lúa lai, với tổng diện tích nhân các dòng mẹ 40 ha, đạt sản lượng 85 tấn và các dòng bố là 5,1 ha, sản lượng 19,7 tấn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông cho biết: “Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các phương án hỗ trợ sản xuất hạt lúa lai. Lúa lai cho năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh rất tốt và hằng năm, chúng ta duy trì nhiều dòng bố, mẹ để sản xuất hạt lúa lai, giúp chủ động nguồn giống, hạn chế nhập khẩu và giảm giá thành”.

Theo Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tại khu vực sản xuất ở Lâm Hà (Lâm Đồng), đơn vị ký hợp đồng thu mua thóc giống dòng bố, mẹ đạt tiêu chuẩn bằng sáu lần đối với dòng Nhị 32A, mang lại thu nhập cho nông dân hơn 67 triệu đồng/ha, lợi nhuận gấp bốn lần so với sản xuất lúa thuần; với dòng BoA, hệ số thu mua tám lần, thu nhập của nhà nông đạt 105,6 triệu đồng/ha. Nhà nông Nguyễn Quang Sỹ (xã Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết: “Xã Tân Văn có sáu hộ tham gia dự án, trên diện tích 6 ha. Tham gia sản xuất, duy trì hạt giống bố, mẹ lúa lai, nhà nông được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gieo trồng và mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống”.

Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị chủ trì dự án, với sản lượng dòng mẹ khoảng 100 tấn, giá bán giảm 20% (tương đương 120 nghìn đồng), tiết kiệm được ba tỷ đồng. Sản lượng đó gieo cấy khoảng 3.000 ha sản xuất giống F1, năng suất dự kiến 2,6 tấn/ha, sản lượng hạt giống F1 ước đạt 7.000 tấn, tương đương doanh thu 1.400 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: “Đây là năm đầu tiên triển khai dự án trên toàn quốc, thông qua dự án khuyến nông trung ương. Dù thời tiết có biến động, song một số đơn vị đã chủ động mở rộng diện tích sản xuất nhân dòng bố, mẹ lúa lai hơn 13ha, bằng 33% diện tích thực hiện dự án, trong đó công ty chúng tôi mở rộng thêm 10,2 ha. Hạt giống sản xuất trong nước giá rẻ hơn nhập khẩu và bảo đảm chất lượng”.

Các chuyên gia cho rằng, thành công bước đầu trong sản xuất, khẳng định nước ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất hạt giống bố, mẹ lúa lai và hạt lai F1, góp phần định hướng phát triển bền vững ngành sản xuất lúa lai của Việt Nam.

 


Người viết : MAI VĂN BẢO(ND)