Việt Nam ngược thế giới: Nhà khoa học bán giống mưu sinh

Việt Nam ngược thế giới: Nhà khoa học bán giống mưu sinh

Thứ tư, 24/12/2014, 09:20 GMT+7

Hầu hết các viện nghiên cứu và các nhà khoa học đã lăn mình vào khuyến nông giống, kể cả tổ chức sản xuất và bán giống để tạo nguồn thu.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập không phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của khoa học mà các nhà khoa học và các viện chọn  tạo giống ở Việt Nam đang vấp phải.

Nhà khoa học bán giống tạo nguồn thu

Mỗi phát minh mới về gen và sáng tạo mới về giống đều gắn liền với các đầu tư hàng tỷ USD và nhiều năm nghiên cứu bài bản. Các công ty giống siêu quốc gia như Monsanto, Sygenta, DuPont,… đã đầu tư trung bình trên dưới 1 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học hàng năm, trong đó có tỷ lệ đầu tư rất cao cho nghiên cứu cơ bản về gen, hệ gen và các công nghệ tạo giống mới.

Trên thực tế, ở các nước tiên tiến có sự phân định ranh giới rất rõ ràng: việc tạo giống hầu như hoàn toàn do doanh nghiệp đảm nhận, còn các viện nghiên cứu chỉ đóng vai trò phát minh, sáng chế, cung cấp vật liệu, nguồn gen mới có giá trị cao. Những phát minh của các nhà khoa học được đăng ký bản quyền. Các công ty giống khai thác các bản quyền đó và chuyển hóa chúng thành giống và các nguồn thu nhập thực tế.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, vai trò chọn tạo giống của các viện nghiên cứu nói chung còn rất lớn. Nhưng sự liên kết giữa các viện và công ty trong dòng chảy từ nghiên cứu tạo giống đến đồng ruộng đã có sự phân công rõ ràng.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh trao đổi với nông dân Yên Bái SX lúa J01 vụ xuân 2014
GS.TS Đỗ Năng Vịnh trao đổi với nông dân Yên Bái SX lúa J01 vụ xuân 2014

Những gì đang diễn ra với khoa học Việt Nam khá khác biệt với thế giới. Chẳng ở đâu ở như Việt Nam, nơi nhà khoa học làm ra giống rồi lại phải đem giống ấy về cho những người nông dân sản xuất nhỏ, tổ chức hệ thống khảo nghiệm, xây dựng mô hình, rồi tìm cách giới thiệu giống để có nguồn thu nhập.

Thực tế, hầu hết các viện nghiên cứu và các nhà khoa học đã lăn mình vào khuyến nông giống, kể cả tổ chức sản xuất và bán giống để tạo nguồn thu. Nếu đưa giống cho người khác, giống đó có thể mất hút. Anh có thể không có nguồn thu gì khác và chỉ còn nguồn thu từ lương? Khuyến nông giống tự nguyện vẫn là nguồn thu nhập cơ bản, nuôi sống nhiều thế hệ các nhà chuyên môn tạo giống ở nước ta.

Thành tích của các viện chủ yếu chỉ được đánh giá qua công tác giống. Hầu như đa số các đề tài phải tạo ra giống mới trong chu kỳ 3 năm. Hầu hết các đề tài CNSH làm về chuyển gen từ năm 1990 đến nay đều phải có dòng giống mới sau 3 năm, hoặc nhiều là 5 năm.

Trong khi thiếu hụt các đầu tư nghiên cứu cơ bản về gen. Thiết hụt nghiêm trọng các đề tài nghiên cứu thường xuyên, chuyên sâu, chuyên nghiệp, dài hạn để các viện nghiên cứu, các nhà khoa học làm việc chuyên sâu, chuyên tâm, chuyên nghiệp theo định hướng chuyên môn hóa, từ đó tạo ra các đột phá thực sự về giống. Các hợp đồng nghiên cứu khoa học của ta rất giống các hợp đồng thi công xây dựng. Phải ra giống với các đặc tính xác định, trong khi các gen, các quy luật về di truyền tính trạng rất phức tạp và còn rất ít được nghiên cứu ở nước ta. Với cách làm như vậy, giống dòng nhiều nhưng chưa có đột phá là tất yếu.

Với cơ chế mới, các nhà khoa học còn phải trực tiếp tạo ra nguồn thu “tính ra tiền” để tồn tại, để nghiên cứu và tái nghiên cứu. Những công việc ấy rất mất thời gian và chức năng sáng tạo của nhà khoa học sẽ có thể bị mất dần đi.

Chúng tôi có cảm nghĩ rằng công việc các nhà khoa học Việt Nam đang làm hiện nay rất giống với người ca sỹ hát rong ngày xưa. Mỗi khi hát xong một bài, họ lại ngả mũ và chờ đợi người nghe trên phố vứt tiền vào đó. Trong khi, các nhạc sỹ, ca sĩ thời nay có hàng loạt công ty kinh doanh họ, có hệ thống truyền thông, nhà hát, có người quản lý, khai thác các ca khúc và bản quyền ca khúc của họ, còn người nghệ sĩ chỉ việc sáng tác. Có như thế, các bài ca được viết ra mới bay bổng và chuyên nghiệp.

Gần đây, các doanh nghiệp giống cây trồng ở Việt Nam đã lớn mạnh, đặc biệt là Công ty CP giống cây trồng Trung ương (VINASEED), Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC), Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang,…

Họ đã chứng tỏ sự lớn mạnh của mình trong việc lai tạo, sản xuất và kinh doanh giống và đã tạo ra khá nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, rất nhiều công ty giống đã tìm kiếm sự liên kết với các viện. Đó là sự lớn mạnh tất yếu, hợp quy luật phát triển của khoa học hướng tới sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp giống.

Các công ty trong nước đã tích cực hợp tác với các công ty giống hàng đầu ở nước ngoài. Họ đã bỏ ra không ít tiền để nhập các giống mới. Mặt khác, họ đã khai thác được khá nhiều những nhà khoa học giỏi, xuất sắc từ các viện.

Đội ngũ tinh hoa trong hệ thống khoa học Việt Nam chưa nhiều nhưng các công ty đã rất khôn ngoan tìm ra tầng lớp tinh hoa trong các viện, khai thác, sử dụng và trả giá để họ làm tư vấn nghiên cứu hoặc tham gia trực tiếp chọn tạo giống tốt cho công ty. Chỉ những người có khả năng sáng  tạo, kinh nghiệm, tri thức tốt mới được các doanh nghiệp tuyển chọn.

Lực lượng tinh hoa trong khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực tạo giống đang xuống cấp nghiêm trọng vì các cơ quan nghiên cứu rất khó thu hút sinh viên tài năng. Không thể dùng khẩu hiệu, lý tưởng để lôi cuốn lớp trẻ. Trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh này, ai đánh giá đúng giá trị của họ thì họ sẽ phục vụ người đó. Người xưa nói “người làm sao của bao làm vậy”, “trồng cây nào ăn quả nấy”. Đánh giá thấp trí tuệ khoa học, đầu tư không đủ “tới hạn” thì sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân tài và rất khó có các sản phẩm giống chất lượng cao.

Nhà khoa học Việt Nam được hưởng niềm hạnh phúc của người sáng tạo, có thể hài lòng với mức lương vừa phải nhưng ít ra họ phải nuôi được bản thân, vợ con để yên tâm chuyên cần sáng tạo.

Phải có chế độ để nhà khoa học không mất thời gian cho những việc vụn vặt khác, xem họ cần gì, khát khao gì và đưa ra những yêu cầu thực tiễn cụ thể, mang tính pháp quy để cho họ giải quyết. Lâu nay ta chỉ thấy nhà khoa học chuyển sang làm quản lý chứ ít thấy nhà quản lý chuyển sang làm khoa học vì nhà quản lý làm việc và sống dễ dàng hơn nhiều.

GS, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu từng trăn trở, khoa học Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "tuyệt tự". Đó là sự báo động rất nghiêm trọng và chúng tôi cảm nhận được điều đó rất rõ ràng. Mâu thuẫn giữa nhu cầu nguồn nhân lực xuất sắc của khoa học và chính sách đối với nguồn nhân lực tinh hoa đã kéo dài và đòi hỏi các giải pháp cấp bách.

Khoa học không ăn bám ngân sách!

Các nhà khoa học nông nghiệp thực ra đã cố gắng rất nhiều. Ở đâu kết quả nghiên cứu để trong tủ chứ trong lĩnh vực nông nghiệp tạo giống thì không. Anh em làm khoa học có cái gì là quần quật ra đồng thử nghiệm, đưa vào sản xuất, thị trường hoá kết quả nghiên cứu của mình. Đồng áng cũng là nồi cơm của khoa học nông nghiệp.

Các cơ quan nghiên cứu rất khó thu hút sinh viên tài năng
Các cơ quan nghiên cứu rất khó thu hút sinh viên tài năng

Năm 2000, năng suất lúa của Việt Nam là 42,4 tạ/ha, năm 2013 tăng lên 55,8 tạ/ha. Như vậy, mỗi năm năng suất lúa của Việt Nam tăng trung bình 95 kg/ha. Các nhà khoa học trên thế giới tính toán, khi năng suất lúa tăng lên thì có hơn 50% là do giống, phần còn lại do những thứ khác.

Nếu chỉ tính khiêm tốn giống đóng góp 30% vào việc tăng năng suất hàng năm, thì trong số 95kg nói trên có 30kg là nhờ khoa học công nghệ.

Nhân con số này lên với diện tích canh tác của Việt Nam, mỗi năm tối thiểu khoa học cũng làm được 66 triệu USD từ riêng giống lúa, tức khoảng 1.400 tỷ đồng, gấp gần 2 lần chi phí cho công tác nghiên cứu ở tất cả các chuyên ngành khoa học khác nhau tại 18 viện thuộc Viện KHNN Việt Nam (VAAS) hiện nay.

Do vậy, ai đó nói rằng khoa học ăn bám vào ngân sách nhà nước là không đúng, đặc biệt là không đúng đối với nông nghiệp.

Nông dân Việt Nam đã làm một cuộc cách mạng ngoạn mục trong nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng bỏ trí tuệ và mồ hôi xây dựng ngành nông nghệp phát triển, trong đó có đóng góp lớn của khoa học công nghệ. Người ta có thể đếm được ngay số tiền thu được của người nghệ sỹ hát rong đường phố, nhưng tính toán hiệu quả của KH-CN thì không thể thô thiển như vậy.

Trung Quốc có khoảng 4.000 nhà khoa học chuyên về di truyền chọn giống, 5.000 nhà khoa học chuyên về canh tác sản xuất lúa gạo, mỗi năm họ đưa ra khoảng 400 giống lúa. Trung Quốc có 30 triệu ha lúa, Việt Nam có diện tích lúa bằng khoảng 1/4 Trung Quốc (7,9 triệu ha).

Nếu các nhà di truyền chọn tạo giống nước ta có sức sáng tạo bằng 1/4 Trung Quốc, thì mỗi năm có thể chọn tạo được nhiều giống tốt hơn nữa. Nhưng thực ra, Việt Nam không có nhiều giống lúa đến như vậy, lại càng không có những giống có tính chất đột phá.

Các nhà khoa học Việt Nam cũng phải nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót, không thể đổ hết lỗi cho cơ chế hay các điều kiện khách quan. Tuy vậy, chúng ta đã có được khá nhiều giống tốt, năng suất và chất lượng. Nếu chúng ta tổ chức được sản xuất lớn, chế biến và thương mại hóa theo hướng công nghiệp, thì chắc chắn chúng ta sẽ có thương hiệu quốc tế.

Muốn đổi mới nông nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất và bây giờ là thời điểm chín muồi. Ở nước ta, chưa bao giờ việc chuyển đổi từ nền sản xuất kiểu phong kiến, manh mún, dựa trên hộ nhỏ lẻ lên sản xuất lớn tập trung lại bức xúc như hiện nay.

Phải thành lập các tập đoàn, các hợp tác xã sản xuất tập trung, như thế mới tạo ra hàng hoá có khối lượng lớn, ổn định về năng suất, chất lượng, tạo ra thương hiệu. Sản xuất lớn còn là nền tảng kinh tế và động lực quan trọng của phát triển KH-CN.

Thành Luân (Đất Việt)


Người viết : admin