VietGAP có cũng như không

VietGAP có cũng như không

Thứ sáu, 29/07/2016, 17:30 GMT+7

Là quy trình khuyến cáo tự nguyện, không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, song việc chỉ định các tổ chức chứng nhận lại áp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên mô hình VietGAP đang đứng trước nguy cơ phá sản, gây lãng phí ngân sách hỗ trợ của nhà nước.

Đòi hỏi từ thực tế

Gốc rễ, mô hình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP ra đời xuất phát từ đòi hỏi trong tại 3 quyết định của Chính phủ gồm: Quyết định 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính Quyết định về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 62/2012/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cánh đồng mẫu lớn.

Theo 3 quyết định này, Bộ NN-PTNT là đơn vị chính được giao xây dựng bộ chỉ tiêu, các chính sách, tiêu chí hỗ trợ, chỉ định tổ chức chứng nhận… cho các mô hình thực hành tốt VietGAP với mức hỗ trợ từ 50 - 100%.

Việc hỗ trợ các mô hình VietGAP được thực hiện thông qua ngân sách nhà nước tại các cấp, sở, ngành và các Ban Quản lý Dự án QSEAP. Các quy định, định mức hỗ trợ được hướng dẫn chi tiết trong các Thông tư 53 (2012); 42 (2013); 49 (2013); 15 (2014) và 54 (2014) của Bộ NN-PTNT.

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) do Bộ NN-PTNT ban hành qua sự hỗ trợ từ phía JICA (Nhật Bản), thực tế là sự tổng hợp, chắp vá từ một số tiêu chí của GlobalGAP và AseanGAP lại, với 65 tiêu chí bắt buộc và 10 tiêu chí khuyến cáo.

Dù bản chất của VietGAP là tốt, các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp của Chính phủ cũng vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, do quá trình xây dựng bộ tiêu chí VietGAP, các đơn vị xây dựng không dưa theo Tiêu chuẩn quy chuẩn chung nào, một mình một kiểu nên dẫn đến các công đoạn quản lý, thanh, kiểm tra xử lý sau này như đi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm VietGAP ban đầu quá khó khăn, việc chứng nhận VietGAP lại quá dễ cộng các quy định về thanh kiểm tra, xử lí không được phân định cụ thể nên VietGAP dần dà bị biến tướng, lệch hướng và mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu. Từ đó, người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm VietGAP nên đánh đồng như các sản phẩm rau an toàn khác.

Lý do vì sao?

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mô hình VietGAP cho thấy chỉ phù hợp trong giai đoạn nhất định. Nay, Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật; Luật An toàn thực phẩm; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ra đời và có hiệu lực, mô hình VietGAP bắt đầu bộc lộ những bất cập.

09-28-59_dsc_0381
Ảnh: Nguyên Huân

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Trồng trọt cũng đã chỉ định cho 23 đơn vị chứng nhận VietGAP. Bắt đầu từ 2015, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Trồng trọt không chỉ định thêm tổ chức chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, về bản chất VietGAP không có gì xấu, chỉ là do cách thực hiện hiện nay đang bị méo mó. Trong khi việc chứng nhận VietGAP thông qua ngân sách hỗ trợ nhà nước hết vài chục triệu đồng/ha, có đơn vị tổ chức chứng nhận trong TP Đà Lạt, Lâm Đồng chứng nhận 30ha VietGAP hết có 15 triệu đồng.

Đúng như thừa nhận của ông Cường, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lí, đặc biệt doanh nghiệp và HTX cho rằng, mô hình VietGAP không phát triển được bởi nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, các tiêu chí trong VietGAP không thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn nào (không theo Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, không theo GlobalGAP, không theo AseanGAP, không theo Rau an toàn…) mà chỉ mang tính chất tự nguyện, tự giác nên độ tin cậy không cao.

Trong khi đó, với những mô hình, quy trình mang tính chất tự nguyện, khuyến khích phải có quy chuẩn tiêu chuẩn để các cơ quan quản lý nhà nước có cái để tham chiếu, thanh kiểm tra, xử phạt.

Ngoài ra, các trường hợp khác phải do các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ban hành ra quy chế và họ tự giám sát nội bộ với nhau. Nhưng rất tiếc là mô hình VietGAP lại không thuộc 1 trong hai kiểu quản lý này.

Mà mô hình VietGAP tại Việt Nam oái ăm ở chỗ, mô hình tự nguyện, khuyến cáo nhưng việc chỉ định các tổ chức chứng nhận lại quản lí theo quy chuẩn, tiêu chuẩn (tức phải thẩm định mới cấp giấy phép chứng nhận).

Từ đó, dẫn tới một thực tế các tổ chức chứng nhận “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bằng chứng là công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất VietGAP hiện do chính những đơn vị chứng nhận VietGAP làm.

Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ VietGAP rất nhiều, có khi lên tới 100%, song lại không có kinh phí hỗ trợ cho công tác thanh, kiểm tra nên chẳng đơn vị chứng nhận nào dại dột dành quá nhiều thời gian, nhân lực để giám sát các đơn vị do mình chứng nhận. Thậm chí, để cạnh tranh, thu hút khách hàng nhiều tổ chức chứng nhận VietGAP sẵn sàng bán giấy như bán giấy khám sức khỏe hiện nay.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất rau an toàn tại huyện Phúc Thọ chia sẻ, từ khi anh thuê 5ha đất tại huyện Phúc Thọ để sản xuất rau sạch có không biết bao nhiêu đơn vị chứng nhận VietGAP gọi điện đến mời chào dịch vụ.

Lúc đầu họ chào giá tới 60 triệu đồng/ha, sau giảm xuống còn 30 triệu đồng/ha, nay có đơn vị đề nghị mức giá có 15 triệu đồng/ha, song doanh nghiệp vẫn không làm vì thấy rau an toàn và VietGAP đang bị người tiêu dùng đánh đồng ngang nhau. Nếu làm, doanh nghiệp này cho biết, sẽ chọn rau hữu cơ bởi cũng là tự nguyện, nhưng hiện đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng và đầu ra uy tín, thuận lợi hơn.

;

Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam