Vựa lúa miền Tây lo "sốt vó"
Thứ tư, 11/05/2016, 09:58 GMT+7
Sau thông tin Thái Lan sẽ bán tháo 11,4 triệu tấn gạo dự trữ chỉ trong 2 tháng 5 và 6.2016, nhà nông, cơ quan chức năng và các nhà khoa học vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện lo “sốt vó” trước thông tin trên.
Lo lắng “kép”
Ngày 9.5, ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Hạn, mặn làm cho người dân tốn thêm chi phí sản xuất, còn năng suất thì đạt không cao. Theo đó, việc Thái Lan bán ra 11,4 triệu tấn gạo sẽ khiến cho người dân gặp thêm khó khăn. “Nguyên tắc sau khi trữ một thời gian thì Thái Lan phải bán nếu không thì hư hết. Tuy nhiên, việc xuất bán này sẽ làm giá lúa thị trường đi xuống, người dân sẽ ảnh hưởng một phần” – ông Đời thông tin.
Nông dân xã Vị Bình (Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) lo lắng về giá bán lúa hè thu 2016. Ảnh: Huỳnh Xây
Ghi nhận của phóng viên NTNN tại một số địa phương thuộc tỉnh Hậu Giang như: Huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp và Châu Thành, nhiều ruộng lúa đang giai đoạn chuẩn bị làm đòng nhưng người dân lại tỏ ra không mặn mà. Lão nông Huỳnh Minh Tâm ngụ ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy cho biết: “Do ảnh hưởng bởi mặn, việc xuống giống gặp nhiều khó khăn, trong quá trình sản xuất thì cây lúa thường xuyên gặp dịch bệnh, khó có năng suất cao. Vài ngày qua, khi nghe thông tin trên báo, đài, Thái Lan bán số lượng gạo ra thị trường với giá rẻ, gia đình rất lo lắng”. Theo ông Tâm, thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc sản xuất lúa gặp vô cùng khó khăn. Nghe thông tin, Thái Lan bán tháo gạo, ông càng lo khi 5.000m2 lúa IR 50404 trong tháng tới sẽ thu hoạch.
Cũng như ông Tâm, nhiều hộ dân đã xuống vụ hè thu cũng lo cảnh “thất mùa” lại “mất giá”. “Nắng nóng liên tục khiến lúa không phát triển nổi, tôi phải tốn công bơm nước liên tục từ sông lên. Không biết năng suất sau này sẽ như thế nào nhưng chắc chắn vụ này chi phí sẽ tăng nhiều. Riêng việc mấy ngày nay bà con bán tán về việc Thái Lan xuất bán gạo, tôi cũng rất lo, sợ cảnh mất giá lại tái diễn trong hoàn cảnh hạn, mặn khốc liệt này” – ông Huỳnh Văn Minh (xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) nói.
Theo Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, có thể Thái Lan sẽ xuất phần lớn là gạo có phẩm cấp thấp và thị trường của họ có thể là nơi nhập khẩu truyền thống của gạo Việt Nam. Để cạnh tranh, không mất thị trường này thì cần phải có gạo có chất lượng hơn, ngon hơn, giá cạnh tranh hơn nhưng mong đợi này coi như thất vọng. Bởi nhiều nông dân “cứ bám lấy lúa phẩm cấp thấp như IR50404” và việc hàng trăm thương lái với thói quen trộn lẫn nhiều loại lúa với nhau trước khi cung cấp cho công ty xuất khẩu (giá trị hạt gạo không còn cao).
Bán rẻ hơn Thái Lan, người dân sẽ khó khăn hơn
Trao đổi với phóng viên NTNN, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Việc Thái Lan xả kho gạo khổng lồ trên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam”.
“Hàng năm, Thái Lan xuất khẩu chừng 10 triệu tấn nhưng lại thông tin xuất 11,4 triệu tấn chỉ trong 2 tháng tới, việc này sẽ làm cho cán cân cung cầu trên thế giới sẽ bị xáo trộn, nhất là giá cả. Theo đó, các nước nhập khẩu sẽ nắm được nguồn tin, kéo giá mua xuống” - ông Đệ nói.
Sở dĩ Thái Lan có động thái trên là để giải quyết số lượng gạo đã thu mua với giá cao từ vài năm trước và không bán được ở thời gian sau đó. Để đối phó với tình trạng trên, PGS-TS Đệ cho rằng: “Tôi nghĩ phải có cơ chế dự trữ gạo, còn nếu cố bán thì chắc chắn sẽ bán rẻ, người dân sẽ gặp khó. Song song dự trữ đó Nhà nước, doanh nghiệp phải đi tìm thị trường mới để cứu giá lúa gạo. Tuy nhiên, việc dự trữ và đi tìm thị trường mới sẽ không dễ dàng trong thời điểm này”.
GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một chuyên gia về lúa gạo cũng thông tin: “Thái Lan sẽ bán gạo với giá không cao hơn giá gạo Việt Nam do gạo của họ có khuyết điểm là cũ, ăn không ngon”.
GS Xuân phân tích thêm: “Họ muốn bán tháo, bán đổ cho các nước châu Phi, Philippines, Indonesia, Trung Đông… vì không muốn để gạo trong kho tiếp tục bị hư. Họ bán giá thấp nhưng mình không thể hạ thấp hơn để chiếm thị trường, nếu làm vậy sẽ khổ cho nông dân mình thêm. Hơn nữa, nếu mình hạ giá thì họ cũng sẽ sẵn sàng tiếp tục giá giá thấp hơn mình”.
Để đối phó với những khó khăn về giá trong thời gian tới thì phải làm sao? Với câu hỏi này, GS Võ Tòng Xuân nói: “Cách đây hơn 2 năm, Chính phủ Thái Lan mua gạo giá cao để cho nông dân họ có thu nhập nhưng do gạo mua vào giá cao, không xuất được, để kho trong thời gian dài. Đến nay, bắt buộc Thái Lan phải bán gạo để trả nợ cho ngân hàng vì ngân hàng trước đó đã trả tiền mua lúa gạo cho nông dân. Trước thực trạng trên, tôi cho rằng nông dân không đối phó được mà chủ yếu là các công ty của Việt Nam, phải có sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh”.
"Họ bán giá thấp nhưng mình không thể hạ thấp hơn để chiếm thị trường, nếu làm vậy sẽ khổ cho nông dân mình thêm. Hơn nữa, nếu mình hạ giá thì họ cũng sẽ sẵn sàng tiếp tục giá giá thấp hơn mình”. GS- TS Võ Tòng Xuân |
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)