Vùng ngọt hóa

Vùng ngọt hóa

Thứ năm, 05/02/2015, 14:48 GMT+7

Ở giữa vùng sông nước chằng chịt, nước mặn quanh năm xâm thực mạnh. Vậy mà đã mấy mươi năm nay “túm đất ngọt” được quy hoạch vẫn tồn tại và sinh lợi, giúp người dân sống khỏe.

Chính quyền địa phương thăm đồng lúa vừa thu hoạch ở Cái Nai.
Chính quyền địa phương thăm đồng lúa vừa thu hoạch ở Cái Nai.

Nơi đang nói đến là vùng ngọt hóa thuộc khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau). Chỉ rộng gần 100 ha, trong đó có 67 ha canh tác lúa, còn lại là trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm, song nơi đây là đầu mối nông sản của vùng.

Ở “túm đất ngọt” này, cây lúa vẫn phát triển, rau màu luôn tươi tốt nên địa phương vẫn truyền nhau nói đây chính là “của lạ” của vùng.

Sáng hôm ấy, theo lời hẹn trước, tôi cùng ông anh có chuyến “phượt” về vùng biển mặn để xem cái gọi là “của lạ” của vùng sông nước Năm Căn. Trước mắt chúng tôi là một cánh đồng bát ngát vừa thu hoạch xong vụ lúa, chỉ còn trơ những gốc rạ.

Qua ruộng dưa hấu của anh Nguyễn Văn Buôl, người Khmer. Buôl xởi lởi rằng: "Đã thu hoạch xong 10 công lúa, thu được gần 200 giạ. Tranh thủ thời gian, tôi lên liếp trồng dưa hấu cho dịp Tết, kiếm thêm thu nhập".

Buôl thú thiệt, đồng đất ở đây chỉ trồng được vụ lúa duy nhất trong năm nên phải tận dụng đất đai để trồng bắp, trồng màu, chăn nuôi có thêm thu nhập. “Nhờ thực hiện đa canh mà mỗi năm gia đình tôi thu lợi khoảng 60 - 70 triệu đồng”, Buôl tiếp lời.

Tiếp xúc với chính quyền địa phương, ông La Văn Mừng, trưởng khóm Cái Nai cho biết: "Nhiều hộ dân ở thị trấn Năm Căn nuôi trồng thủy sản trên vùng mặn hóa. Riêng khóm Cái Nai SX theo quy hoạch vùng ngọt hóa.

Do nằm “cô đơn” giữa vùng biển mặn, bị nhiễm phèn nặng và thiếu nước ngọt vào mùa khô hạn nên vùng ngọt hóa Cái Nai chỉ trồng vụ lúa trong năm và nhờ nước trời. Để tăng thêm thu nhập, người dân còn trồng đậu bắp trước khi cấy lúa. Sau vụ lúa bà con lại canh tác rau màu, trồng dưa hấu, chăn nuôi gà, vịt…".

Ông Buôl trồng thêm dưa hấu bán trong dịp Tết để tăng thu nhập.
Ông Buôl trồng thêm dưa hấu bán trong dịp Tết để tăng thu nhập.
Theo ông Võ Văn Hành, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, đơn vị và ngành chức năng đã lập đề án thí điểm trồng rau sạch ở Cái Nai. Trong năm 2015 này, nếu nguồn vốn hạn chế cũng làm thí điểm trước khoảng 10 ha, thành công sẽ nhân rộng giúp người dân vùng ngọt hóa có thu nhập ổn định và bền vững bên cạnh cây lúa và chăn nuôi. 

Tuy cây lúa năng suất không bằng những vùng thuần nông khác, nhưng nơi đây người dân vẫn sống khỏe ru, nhờ "hiểu đất" và sự cần cù, không ngại khó của mình.

Ông Mừng cho biết, ông cưới vợ năm 1984, lúc ấy dân trong vùng đã trồng lúa, tới nay ít nhất cũng trên 30 năm. Còn thời gian trước đó dân làm rẫy và canh tác rau màu.

“Vùng này bốn bề bị nước mặn bủa vây, đồng đất bị nhiễm phèn nặng nên trồng lúa rất khó. Song kinh nghiệm cho thấy khi mưa thì để cho nước tự do ngập, còn dứt mưa gặp nắng cục bộ chừng 5 - 7 ngày phải tháo hết nước, nếu không lúa bị nhiễm độc hữu cơ”, ông Mừng chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa đã mấy mươi năm nơi xứ mặn.

Đứng cạnh ông trưởng khóm, ông Huỳnh Minh Thùy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Năm Căn góp chuyện, Cái Nai được lãnh đạo địa phương quy hoạch là vùng ngọt, nơi cung ứng nông sản và thực phẩm “hệ ngọt” cho địa phương. Phòng NN-PTNT huyện Năm Căn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, giúp người dân Cái Nai nắm vững kỹ thuật canh tác lúa.

“Đầu năm 2013 tới nay, tuyến đê bao khoảng 3.000m ở Cái Nai được gia cố cao ráo nên hạn chế tối đa mặn xâm thực. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên và giữ mức ổn định từ 4 - 5 tấn/ha”, ông Thùy nói thêm.

Đúng là chỉ có người phụ đất, chứ đất không bao giờ phụ người có lòng. Vùng mặn mà trồng lúa được đến 5 tấn/ha thì đúng là cừ thật.

Trên đường về Cà Mau, tôi và ông anh vẫn chưa thể thoát ra được câu chuyện “của lạ” của xứ mặn này. Ông nói: "Thỏa trí tò mò chưa? Cả miệt rừng ngập mặn ở Mũi Cà Mau, không có nơi nào quy hoạch độc như ở đây nhé! Độc đáo, lạ mà vẫn hiệu quả thế mới hay, thế mới có những “hàng độc” để anh em mình viết bài".

 


Người viết : Trần Hiếu (nongnghiep.vn)