Vươn lên giữa khó khăn
Thứ sáu, 30/01/2015, 16:26 GMT+7
Suy thoái kinh tế, biến động chính trị tại nhiều nước trên thế giới, nhất là khối EU đã làm cho thị trường tiêu thụ giảm sút mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến những mặt hàng xuất khẩu.
Cty CP Thủy sản Bình Định kiểm tra cá ngừ trước khi XK sang Nhật. |
Sản phẩm mặt hàng thủy sản của Cty CP Thủy sản Bình Định không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhờ tổ chức SXKD đúng định hướng, Cty CP Thủy sản Bình Định không những đã vượt khó, mà còn phát triển ngoạn mục.
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế của thế giới còn rất ảm đạm, nhiều doanh nghiệp chuyên SX những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng long đong theo. Trong năm 2014, trên toàn quốc đã có đến 70.000 doanh nghiệp phải ngưng SX hoặc giải thể do sản phẩm XK không tiêu thụ được.
Cái khó này không của riêng ai, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào có nền quản lý tốt, kinh doanh đúng hướng, có nguồn nhân lực mạnh thì vẫn có chỗ đứng. Cty CP Thủy sản Bình Định là một trong những doanh nghiệp đã vượt qua được những trở ngại tưởng chừng như không thể để có 1 năm hoạt động SXKD hiệu quả.
“Trên thương trường luôn có chỗ cho những doanh nghiệp có định hướng đúng, biết nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, kịp thời đề ra những chính sách phù hợp với từng thời kỳ thì vẫn có thể phát triển. Cty chúng tôi đã làm được như thế, nên năm 2014 vừa qua dù khó khăn bủa vây nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”, bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP Thủy sản Bình Định tự tin nói.
Để minh chứng, bà Lan đưa ra những con số thuyết phục: Năm 2014 Cty CP Thủy sản Bình Định có tổng doanh thu 8.722 triệu đồng, đạt 112% so kế hoạch; kim ngạch XK 40,8 triệu USD, đạt 113,3% so kế hoạch; kim ngạch NK 19,2 triệu USD, đạt 95,3% so kế hoạch; sản lượng SX 8.156 tấn, đạt 121,2% so kế hoạch. Ngoài ra, Cty đã tạo việc làm thường xuyên cho 835 lao động. Những con số trên nói lên rằng, Cty CP Thủy sản Bình Định đã có 1 năm ăn nên làm ra.
Lý giải về sự thành công của Cty, bà Lan cho biết, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, nhưng đối với thực phẩm thủy sản là mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày nên luôn có nhu cầu cao.
Tuy nhiên, để duy trì ổn định khách hàng tiêu thụ, Cty phải đủ mạnh về năng lực tài chính, năng lực SX và phải thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng. Các đơn vị nhập khẩu hàng của Cty không phải là đơn vị bán lẻ trực tiếp, nên nhận đơn đặt hàng chỉ vài ngày sau là phải có hàng giao. Vì thế, nếu không chủ động dự trữ nguyên liệu hoặc sản phẩm bán thành phẩm thì không thể đáp ứng yêu cầu của đơn đặt hàng.
Để giải bài toán khó về vấn đề thiếu nguyên liệu, Cty chủ động nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Á. Đồng thời đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, xây dựng mối quan hệ với các đại lý và một số DN vệ tinh khắp miền Trung, nên Cty luôn có nguồn nguyên liệu dồi dào, đủ đáp ứng những đơn hàng có số lượng lớn nhằm tạo chữ tín cho khách hàng.
“Cty chuyên làm đông lạnh các mặt hàng cá biển, chiếm 40% trong đó là cá ngừ đại dương. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nước châu Âu. Do nguồn nguyên liệu tại chỗ thiếu cả về số lượng lẫn trọng lượng, kích cỡ, chất lượng nên Cty phải nhập từ nước ngoài đến 60% nguyên liệu”.
Tuy nhiên, vấn đề sống còn của Cty CP Thủy sản Bình Định là về chất lượng sản phẩm. Xác định đây là mấu chốt, nên trong những năm qua, Cty đã đầu tư quyết liệt xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến nhất hiện nay.
Có thể kể: Chương trình quản lý chất lượng ISO 9001-2008, chương trình quản lý chất lượng ATVSTP ISO 22.000-2007, ISO 22.000-2005, chất lượng cá ngừ đại dương tiêu chuẩn Quốc tế, giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo ATTP toàn cầu BRC-VER6, IFS mức độ an ninh thực phẩm toàn cầu để hàng hóa của Cty được vào các trung tâm bán lẻ ở châu Âu.
Cơ sở SX của Cty còn được các tổ chức SGS, Nafi Quaves kiểm tra, giám sát dây chuyền SX thực hiện theo Chương trình HACCP, SOP. “Chiến lược tập trung đầu tư mạnh công tác quản lý chất lượng đã nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại kết quả là Cty đã phát triển được thị trường một cách ổn định, bền vững”, bà Lan nói.
“UBND tỉnh Bình Định đã giao đất tại đường Tây Sơn thuộc phường Quang Trung, TP Quy Nhơn để Cty xây dựng nhà máy mới. Dự kiến tháng 4/2015 sẽ khởi công, nhà máy mới có công suất 10.000 tấn/năm. Phấn đấu đến tháng 4/2016 sẽ đi vào hoạt động, đến lúc đó, doanh thu của Cty sẽ đạt từ 60 đến 80 triệu USD/năm”, bà Cao Thị Kim Lan cho biết. |
Là đơn vị duy nhất tham gia Dự án “Chuỗi giá trị cá ngừ đại dương” của Bình Định nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn XK sang thị trường Nhật Bản, Cty luôn trăn trở về những vướng mắc trong lộ trình đưa cá ngừ đi Nhật hiện nay.
Bình Định là 1 trong 3 tỉnh miền Trung có sản lượng cá ngừ đại dương cao nhất, nhưng kỷ thuật khai thác, bảo quản còn lạc hậu, thô sơ nên chất lượng cá chỉ đạt trung bình, chủ yếu chỉ làm hàng đông lạnh. Để nâng giá trị, cá ngừ phải đạt đến chất lượng cao cấp, được sử dụng ăn sasomi. Muốn vậy, cần phải áp dụng công nghệ tiên tiến trong kỹ thuật khai thác và bảo quản.
“Thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính nhất hiện nay, yêu cầu về các tiêu chuẩn VSATTP là rất cao, cao hơn cả các nước châu Âu và Mỹ. Nhưng khi họ đã chấp nhận là có thể làm ăn lâu dài. Phía Nhật đã đánh giá cao chuyến cá ngừ đầu tiên xuất khẩu qua thị trường này, họ tin tưởng khi ngư dân Bình Định được đào tạo thuần thục thì chuyện XK cá ngừ đại dương đi Nhật sẽ ổn định”, bà Cao Thị Kim Lan, cho hay.
Suốt mấy tháng qua, do điều kiện mưa bão nên 5 tàu tham gia dự án không thể ra biển, Cty CP Thủy sản Bình Định tranh thủ thời gian “ngư nhàn” đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức đào tạo kỹ thuật đánh bắt, bảo quản theo kiểu Nhật cho các thuyền viên. Cả 5 tàu nằm trong dự án đã ra khơi, dự kiến cuối tháng 1 này sẽ cập bờ và mẻ cá ngừ thứ 2 sẽ tiếp tục được đi Nhật.
“Sau khi tiếp thu kiến thức, kỹ năng đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương tiên tiến, chắc chắn ngư dân đã thuần thục hơn, và mẻ cá thứ 2 đi Nhật ắt sẽ có số lượng và chất lượng cao hơn lần trước”, bà Lan hy vọng.
Để tận dụng lợi thế Bình Định có thế mạnh về nghề lưới vây rút chì chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa với sản lượng vài trăm ngàn tấn/năm, thừa thắng xông lên, trong năm 2015 này Cty CP Thủy sản Bình Định tiếp tục xây dựng nhà máy SX mới, chuyên SX mặt hàng cá ngừ sọc dưa đông lạnh và hấp chín để XK.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)