Lễ công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương được tổ chức trực tuyến tại trụ sở WB ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ngày 11/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, kết nối qua cầu truyền hình với Việt Nam.
Cập nhật các diễn biến gần đây về tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ nhu cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.
Sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013, nền kinh tế tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức 6,7% năm 2015.
Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm trong đó nghèo cùng cực đã xuống dưới mức 3%.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, WB dự báo năm 2016 tăng trưởng sẽ giảm còn 6,5% do tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại.
Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu giảm.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn đó là, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng. Rủi ro tài khóa cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra; cần thực hiện ổn định tài khóa, tăng cường linh hoạt tỷ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.
Trong số các yếu tố tích cực cần kể đến vị thế thuận lợi mà Việt Nam có thể khai thác đáng kể lợi ích các hiệp định thương mại tự do mới ký kết, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này tiếp tục đóng góp mạnh vào tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng của khu vực này chiếm gần 2/5 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015, cao hơn gấp đôi đóng góp của toàn bộ các khu vực đang phát triển khác.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo khu vực này đang đối mặt với các nguy cơ cao trong đó có phục hồi yếu hơn dự đoán tại các nền kinh tế có thu nhập cao và tăng trưởng kinh tế giảm nhanh hơn dự đoán tại Trung Quốc.
Do đó, các nước cần áp dụng các chính sách tiền tệ và tài chính cũng như tiếp tục tái cơ cấu nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng toàn diện.
WB kêu gọi tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững; khuyến nghị tăng cường kỷ cương thị trường trong ngành tài chính; chuyển hướng chi công từ chi hạ tầng sang các ngành dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và hướng tới bảo vệ môi trường.
WB cũng nhấn mạnh rằng lợi ích mà cuộc cách mạng số mang lại sẽ được phát huy tối đa nếu xây dựng được môi trường quản lý tốt, tạo điều kiện cho cạnh tranh và nếu biết cách giúp người lao động nâng cao kỹ năng đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế mới.
Báo cáo cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ các rủi ro kinh tế, đặc biệt là các mức nợ cao, giảm phát và tăng trưởng thấp hơn ở Trung Quốc cũng như tình trạng nợ ở một số nền kinh tế lớn khác.
Ngoài ra, các nước ở khu vực này cần chuẩn bị đối phó với các thảm họa thiên nhiên, đòi hỏi việc duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và tái cấu trúc.
Về dài hạn, báo cáo cho rằng các chính phủ ở khu vực cần tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm, hối thúc các nước dỡ bỏ rào cản thương mại khu vực trong đó có các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
Báo cáo "Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương" được WB đưa ra hai lần/năm, trong đó đánh giá toàn diện các nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương./.