Xây dựng nông thôn mới: Tân Thanh làm kiểu… con nhà nghèo

Xây dựng nông thôn mới: Tân Thanh làm kiểu… con nhà nghèo

Thứ hai, 08/12/2014, 15:00 GMT+7

“Nếu không có sự đồng thuận của dân thì trong 4 năm, Tân Thanh không thể hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới với số vốn đầu tư chưa đến 142 tỷ đồng”.

Ông Bùi Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh huyện Cái Bè, Tiền Giang, khẳng định: “Nếu không có sự đồng thuận của dân thì trong 4 năm, Tân Thanh không thể hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới với số vốn đầu tư chưa đến 142 tỷ đồng”.

Vùng sông nước hiếm xuồng ghe

Cuối tháng 11, anh bạn rủ rê: “Về Tân Thanh quê tui đổi gió một bữa nghe”. Tôi ngần ngừ, xứ Tân Thanh giáp huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, địa hình bị chia cắt bởi 2 con sông lớn là sông Cái Cối và sông Tiền, đi đâu cũng thấy sông rạch mênh mông nước, quanh năm phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe xuồng. Mùa này mưa liên miên, nước ngập lụt, coi bộ “khó đi, khó về”. Nghe tôi nói vậy, anh bạn trề môi: “Thôi đi ông ơi. Chuyện ông kể xưa như trái đất. Xứ tui bây giờ xe tải chạy đến trước cửa nhà, xuồng ghe gần như biến mất”. Tôi bán tín bán nghi, quyết định đi thử một chuyến để mục sở thị.

Một con đường nông thôn mới ở ấp 1, xã Tân Thanh

Con đường cặp bờ sông Cái Cối từ quốc lộ 30 dẫn vào ấp 4 nơi có nhà bạn tôi, trước là đường mòn nhỏ xíu, nay được mở rộng 4,5m, thảm nhựa nóng đàng hoàng. Trên bờ sông, những vựa trái cây nối dài liên tiếp, mặt đường nhiều loại xe tải mang biển kiểm soát của nhiều tỉnh thành đậu nối đuôi chờ ăn hàng. Ông Trịnh Hoàng Hiệp, chủ một vựa trái cây, kể: “Đường này thi công đầu năm 2011, cuối năm đưa vào sử dụng. Trước khi có đường, dân trong ấp phải dùng ghe, xuồng chở trái cây ra chợ An Hữu hoặc chợ đầu mối Mỹ Hiệp, tốn rất nhiều chi phí vận chuyển. Từ lúc mở đường đến nay, vựa trái cây mọc lên như nấm vì xe tải vào tận nơi ăn hàng. Con đường này dài khoảng 4km mà có đến 40 vựa trái cây”. Theo tính toán của ông Hiệp, từ khi có con đường, nhà vườn tiết kiệm được khoảng 200 đồng chi phí vận chuyển cho 1kg trái cây, bởi bà con chỉ cần đem trái cây ra trước cửa nhà thì xe tải nhỏ của vựa đến tận nơi thu mua. Ngoài việc đi lại thuận tiện, con đường còn đem lại nhiều lợi ích như điện thắp sáng, hệ thống viễn thông, Internet… Từ khi có những vựa trái cây, hơn 500 lao động trong ấp có thêm việc làm (khuân vác, bao gói trái cây...) với thu nhập bình quân 200.000-400.000 đồng/người/ngày.

Đưa tôi đi lòng vòng trong xã bằng xe ô tô, ông Bùi Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, khoe: “Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay đường giao thông ở 4 ấp đều được mở rộng 3,5-4,5m, thảm nhựa. Chúng tôi đang xem xét việc bắc một cây cầu qua cồn Qui thuộc ấp 3 là toàn xã đi lại thông suốt bằng xe hơi”. Quả thật, đi trên đất Tân Thanh lúc này, đến đâu cũng thấy xe gắn máy, xe ô tô phóng vèo vèo. Hình ảnh những chiếc ghe, xuồng máy ngược xuôi tấp nập trên sông rạch ngày nào giờ đã lùi vào dĩ vãng.

Từ không chịu… đến tự làm

Ông Tính kể: “Năm 2010, khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Tân Thanh chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Vậy là các cán bộ chủ chốt của xã khăn gói đi Củ Chi TPHCM, Kiên Giang, Trà Vinh… học hỏi kinh nghiệm. Lúc về, chúng tôi hào hứng xây dựng một kế hoạch thực hiện NTM với kinh phí gần 500 tỷ đồng, vì những nơi đi học hỏi kinh nghiệm đều có kế hoạch xây dựng NTM 500-700 tỷ đồng”. Nhưng khi trình kế hoạch, cấp trên từ chối vì… không có đủ kinh phí. Vậy là ngoài nguồn vốn hơn 63,6 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, Tân Thanh phải tự xoay xở. “Trong tình thế “con nhà nghèo” đó, Tân Thanh chọn những tiêu chí không tốn kém kinh phí như thu nhập bình quân đầu người, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm… thực hiện trước, sau đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 2 tiêu chí quan trọng nhất là giao thông và thủy lợi. Chúng tôi xác định, nếu hoàn thiện tiêu chí giao thông và thủy lợi thì tự thân 2 tiêu chí này sẽ kéo theo hàng loạt tiêu chí còn lại”, ông Tính kể.

Điều thuận lợi khi thực hiện 2 tiêu chí giao thông, thủy lợi là địa bàn Tân Thanh đã có sẵn một hệ thống đê bao ngăn triều cường bảo vệ hơn 1.000ha vườn cây ăn trái đặc sản, nên chỉ tốn gần 6 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thủy lợi. Nhưng khi triển khai mở rộng đê bao kết hợp xây dựng đường giao thông trên mặt đê thì người dân phản ứng, vì đụng chạm nhà cửa, đất đai, cây cối của dân.

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, kể: “Chúng tôi yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của xã làm trước. Chúng tôi tin, nếu cán bộ, đảng viên thực hiện trước thì thế nào người dân cũng đồng tình. Chỉ trong thời gian ngắn, 60% dân Tân Thanh tự chặt bỏ cây trồng, tháo dỡ công trình xây dựng… giao mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 4 còn tự nguyện hiến gần 600m² đất trị giá gần 3 tỷ đồng để thi công công trình”.

Với 40% dân chưa đồng tình, Đảng ủy, UBND xã Tân Thanh tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục, đối thoại, tâm tình. Ở ấp 2, khi mở con đường rộng 4,5m, dài gần 3km nhưng người dân chưa chịu, Đảng ủy, UBND xã chọn giải pháp kỳ lạ: Thay vì làm đường theo kiểu truyền thống từ đầu này đến đầu kia, Đảng ủy, UBND xã tập kết xe máy trước nhà ông Đỗ Thanh Đức, Bí thư Chi bộ ấp, ở khoảng giữa con đường. Từ đó vừa kiên trì vận động, thuyết phục người dân, vừa thi công dài ra 2 đầu đường. Đến nay con đường này đang được trải nhựa nóng.

Ông Hà Thanh Hùng (sinh năm 1943), người khiến Đảng ủy, UBND xã Tân Thanh tốn nhiều công sức vận động, thuyết phục, kể: “Lúc đầu, vì không có điều kiện, nên tui chỉ đồng ý chặt bỏ cây cối, giao đất cho mấy ổng làm. Nhưng sau khi nghe nhiều bà con phân tích, tui suy nghĩ nhiều đêm rồi bàn với vợ, nên làm theo bà con”.

Bàn bạc xong, vợ chồng ông Hùng quyết định trích ra 4 triệu đồng tiền dành dụm để thuê xáng cạp múc 230 gàu đất đắp cao nền hạ đoạn đường dài gần 100m trước nhà. Đắp nền xong, suốt 1 tháng, ngày ngày vợ chồng ông Hùng cùng nhau dùng cuốc, xẻng san lấp mặt bằng, sau đó giao nền cho UBND xã làm đường. Bây giờ trong giai đoạn trải nhựa mặt đường, vợ chồng ông Hùng lại sẵn lòng cho các công nhân làm đường ngủ trọ tại nhà, ngày ngày lo cơm nước, trông giữ phương tiện thi công cho công nhân.

Đứng trên cây cầu bê tông hoành tráng bắc qua sông Cái Cối nối liền ấp 1 và ấp 2, ông Tính kể: “Cây cầu này cũng có một câu chuyện: Khi triển khai thi công thì có 1 gia đình không đồng ý hiến đất. Vậy là người dân trong ấp tự nguyện đóng góp tiền để bồi thường đất cho gia đình đó. Lòng dân khi thông suốt, thấy được lợi ích chung thì tốt như vậy đó”.

Theo ông Tính, trong 19 tiêu chí NTM, tiêu chí khó nhất là vấn đề môi trường, vì người dân vùng sông nước lâu nay có tập quán đi vệ sinh và xả rác thải xuống sông rạch. Nhưng bằng sự vận động, thuyết phục, cho hộ nghèo vay vốn xây nhà vệ sinh, đến nay Tân Thanh đã xóa bỏ tập quán xấu đó.

HÙNG ANH

 


Người viết : admin