Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối BCĐ Xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp đã có bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối Nông thôn mới năm 2016 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, Nông Thôn Việt xin trích đăng.
Tới thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp đã có 27/119 xã được công nhận đạt chuẩn cả 19 tiêu chí; 3 xã tệ nhất thì cũng đạt được 9 tiêu chí, số xã còn lại thì nằm trong khoảng giữa, trên 9 mà chưa tới 19 tiêu chí. Trong năm 2016, Đồng Tháp cố gắng có 1 đơn vị cấp huyện và khoảng 10 xã đạt tiêu chí NTM… Những cái được thì chúng ta đã biết rồi, dân tình phấn khởi, thành tích khoe cả ngày không hết. Nhưng tôi muốn nói đến mặt trái của nó, bên cạnh những điều dân hồ hởi phấn khởi, thì vẫn còn nhiều cái lo.
Bệnh thành tích và thiếu trung thực
Cái lo đầu tiên là đóng góp của người dân quá ít và đã bắt đầu có những suy nghĩ ỷ lại vào Nhà nước. Nói đúng hơn là cái tư duy ỷ lại ngày một tăng lên. Đây là điều rất nguy hiểm. Vì nếu người dân ỷ lại nhiều quá thì dù Nhà nước có đầu tư cỡ nào đi chăng nữa cũng không mang lại hiệu quả. Thậm chí là tác dụng ngược…
Cái lo thứ hai, chúng ta thấy rằng để công nhận đạt chuẩn NTM phải có các tiêu chí rõ ràng. Nhưng nhiều khi ở dưới báo cáo lên, nói báo cáo láo thì nghe nặng nề, nhưng mà báo cáo không chính xác, hay dùng từ mỹ miều là không trung thực. Vì sao? Có nguyên nhân là, làm lãnh đạo huyện mà huyện mình không có xã nào đạt chuẩn thì kỳ dữ lắm, thôi thì dẫu chưa đạt cũng cho qua để cho huyện mình có. Một khi cái sự không trung thực này trở thành “chuyện bình thường” thì thật đáng lo.
Cái lo thứ ba là một số địa phương trước khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì làm dữ lắm, nhưng mà được rồi thì hình như tới đó là xong. Có xã, khi chúng tôi xuống làm lễ công nhận, thấy trong nhà sạch, sân sạch mà đường cũng quét láng bóng hết, trồng bông trồng hoa đủ thứ. Dân không trồng bông, không làm hàng rào thì đoàn thể trồng. Nhưng qua lễ công nhận rồi, bông không ai tưới, héo queo, đường không ai quét, rác ngập. Những cái tôi nêu trên là hội chứng của “bệnh thành tích”.
Trong thời gian tới, Văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới Đồng Tháp thống nhất tập trung khắc phục tình trạng này. Đặc biệt là một số công trình sử dụng chưa hiệu quả, hoặc thờ ơ. Ví dụ, đường sá làm ngon để lưu thông hàng hóa được tốt hơn, còn để phơi củi đốt tùm lum, xe chạy thì tai nạn giao thông, vậy đường đạt chuẩn mà làm gì? Hay nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng làm ra mà thứ 7 chủ nhật nghỉ, chiều 4 giờ đóng cửa, làm giờ hành chánh mà, vậy thì làm nhà văn hóa làm gì? Vấn đề tôi muốn đặt ra là, trong xây dựng Nông thôn mới, trước khi đạt được thành tựu về kinh tế nông thôn, thì chúng ta nên tập trung làm cuộc cách mạng về nhận thức. Làm sao để nhận thức cộng đồng tăng lên, như thế, công trình xây dựng Nông thôn mới của chúng ta mới thực sự thành công.
Hướng dẫn thực hiện văn bản: “Làm kiểu gì cũng chết”?
Vấn đề thứ hai, tôi rất đồng tình với các đồng chí đã phát biểu trước, đó là, chúng ta nên thống nhất trong việc bố trí cán bộ lãnh đạo Văn phòng điều phối XD NTM ở các địa phương. Quan điểm của tôi là không phải cứ bắt ông bự làm chức bự thì mới mang lại hiệu quả? Ở Trung ương sao các đồng chí không mời ông Bộ trưởng Cao Đức Phát làm luôn Chánh Văn phòng? Vậy thì cớ gì ở tỉnh, phải ông Giám đốc sở mới được làm Chánh Văn phòng. Nói thật với các đồng chí, tôi làm Chánh Văn phòng mà nhiều khi cả tháng không xuống chỗ Văn phòng điều phối được. Toàn là điện thoại, hoặc là mail để nắm thông tin! Vậy mà cứ bắt Giám đốc phải làm, không làm là không được. Mà thông thường những ông bự, cứ kiêm nhiệm lãnh đạo nhiều ban bệ, thì họp xong là xách cặp về, cuối cùng cũng chỉ có lính làm. Vậy thì thôi, cứ để cho cán bộ cấp thấp hơn phụ trách công việc đó, họ có chuyên môn, chuyên nghiệp hơn, có nhiều thời gian hơn, sẽ tốt hơn…
Một ý nữa là vấn đề tiền. Theo tôi, không nên theo một nguyên tắc phân bổ cứng nhắc mà nên giao về cho tỉnh. Được bao nhiêu thì giao luôn một cục, chia cho ai, chia thế nào, chia đối tượng nào thì Ủy ban tỉnh với sự giám sát của Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm. Khi Ủy ban quyết thì còn có các ngành kế hoạch, tài chánh, nông nghiệp… tham mưu nữa, mắc gì mà sợ. Thông thường chúng ta hay có tâm lý: người trèo cây thì không sợ té mà cái ông đứng dưới đất cứ sợ té hoài. Các đồng chí sợ đưa cho tỉnh, rồi về tỉnh làm tầm bậy? Tôi đảm bảo với các đồng chí không có bậy đâu! Tụi tôi đâu có ngu gì mà tham mưu bậy, mà ông Chủ tịch tỉnh cũng đâu dại gì mà quyết bậy, chết cả đám. Đúng không ạ! Mà chuyện nãy giờ mình nói đủ thứ là gì, thôi thì nói thế này cho dễ hiểu: Các đồng chí đưa mảnh vải thôi, còn may cái quần, cái áo gì kệ tụi tôi, lớn nhỏ kệ tụi tôi, chứ các đồng chí khoác cho một cái áo mà ông bự ông bé cùng một size, làm sao tất cả mặc vừa. Chưa kể là còn màu xanh màu vàng…lu bu lắm. Thôi thì Trung ương cứ đưa tiền đi, rồi làm cái gì để địa phương tự tính toán.
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói là trong các hướng dẫn thực hiện, cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Nếu cứ theo công thức chung chung như hiện nay thì dưới này khó làm lắm. Không làm theo thực tế thì khó nói với dân, mà nếu làm không đúng hướng dẫn thì thanh tra kiểm toán vô chất vấn hoài. Tôi lấy ví dụ, có lần tôi coi văn bản, câu trên nói: Phân bổ (ngân sách) phải trên tinh thần khắc phục tình trạng dàn trải, nói tới đó hiểu rồi. Nhưng tới ý thứ hai, đồng thời, cũng khắc phục tình trạng chỉ tập trung vô các xã điểm… Tôi không rành tiền bạc, văn bản, xách xuống hỏi ông giám đốc sở tài chánh: Cái này hiểu ra sao? Ổng nói: Nói dzậy mà hổng hiểu, nói dzậy là làm kiểu gì cũng chết!
Báo cáo các đồng chí là không nên chỉ đạo hướng dẫn theo kiểu đánh đố nhau như vậy. Rất khó cho bên dưới thực hiện!