Xuất khẩu nông sản: Bài toán khó!
Thứ tư, 18/03/2015, 16:20 GMT+7
Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu thấp.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch hơn một tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá“ liên tục diễn ra, người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Chinh phục thị trường nội địa, tìm hướng xuất khẩu nông sản ra nước ngoài là bài toán nan giải của người dân và các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của cả nước đạt hơn 1,7 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 2 tháng đầu năm nay lên hơn 4,17 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm. Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như thủy sản, gạo, cà phê…
Năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn còn thấp. (Ảnh: KT) |
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sụt giảm trong thời gian vừa qua là khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu thấp.
Phần lớn nông sản của nước ta đều được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, trong khi đó giá thành cao, chất lượng thấp, mẫu mã chưa hấp dẫn.. Đây là những thách thức không nhỏ cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào một sân chơi lớn nhưng khó tính và có sự cạnh tranh khốc liệt.
Ông Hà Ngọc Tuyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao Phong-Hòa Bình cho rằng, cần phải có được sự giúp đỡ của các cấp ngành trong khâu sản xuất. Bởi việc sản xuất khép kín, sạch, sử dụng công nghệ chế biến khoa học không độc hại thì mới nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu. Nếu cứ để bà con tự chọn, tự xử lý hoặc tự làm lấy theo cách truyền miệng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu.
Thực tế hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng thô và nhằm vào những thị trường dễ tính. Việc thâm nhập những thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn còn rất khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đến thời điểm này, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, điều này sẽ tạo sức ép cho người sản xuất, đặc biệt là một số mặt hàng vốn được Nhà nước bảo hộ.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội-Hapro cho rằng, xuất khẩu nông sản ra nước ngoài hiện vẫn là bài toán khó của người nông dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu người dân có đầy đủ thông tin thị trường và tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất thì việc xuất khẩu nông sản sẽ thành công.
“Xuất khẩu nông sản ra nước ngoài cần phải có quy trình riêng. Các đơn vị xuất khẩu thường có mặt hàng cố định, một số mặt hàng có đơn hàng từ nước ngoài như Hapro cũng đã xuất khẩu nông sản thành công. Với thanh long, lúa gạo… trực tiếp doanh nghiệp có thể làm xuất khẩu được, tuy nhiên đối với những lô hàng lớn theo từng container cần phải có cơ quan hướng dẫn bà con làm theo quy trình, đồng thời đặt hàng theo quy trình thì xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn”, ông Vượng trao đổi.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để xuất khẩu nông sản thành công, trước hết doanh nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản. Bởi hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, doanh nghiệp thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Do đó, muốn giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản thì trước hết vấn đề "thông tin thị trường" phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, không chỉ nông dân mà ngay các nhà sản xuất cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ...
Ông Lưu Bích Hồ cho rằng, để hàng hóa xuất khẩu vào được các thị trường khó tính, nhà sản xuất phải nghiên cứu kỹ thị hiếu, khẩu vị, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó mới tổ chức sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường ấy.
“Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định thành công của việc xuất khẩu nông sản là sự nỗ lực của người nông dân trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Về phía Nhà nước phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện chủ trương chính sách về tái cơ cấu và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, coi đó là một chủ điểm rất quan trọng, quyết định để chúng ta thực hiện thành công công nghiệp hóa”, ông Lưu Bích Hồ khẳng định.
Năm 2015, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho nông sản Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do được thực thi. Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có thể dễ dàng mở rộng thị phần vào các thị trường rộng lớn của khu vực và quốc tế, được hưởng lợi từ một số loại thuế sẽ được miễn giảm, nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng sử dụng một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Do đó, để vượt qua thách thức và các rào cản thương mại, thì bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)