Xuất khẩu tôm chậm và nghe ngóng

Xuất khẩu tôm chậm và nghe ngóng

Thứ năm, 05/03/2015, 11:14 GMT+7

Năm nay, con tôm vẫn tiếp tục được coi là niềm hy vọng lớn nhất trong XK thủy sản. Tuy nhiên, XK tôm trong những tháng đầu năm lại đang khá trầm lắng.

Chế biến tôm XK ở Cty Thông Thuận
Chế biến tôm XK ở Cty Thông Thuận

Chờ hội chợ

Khi tôi hỏi về tình hình XK tôm trước và sau Tết Ất Mùi, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), nói “Yếu và chậm lắm”.

Theo ông Hòe, tuy VASEP vẫn còn đang phải chờ đợi con số thống kê XK tôm 2 tháng đầu năm từ Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, so với cùng thời điểm của những năm trước đây, đầu năm nay, XK tôm đang khá trầm lắng, nhất là từ sau Tết Ất Mùi tới giờ.

Nguyên nhân có thể do cuối năm ngoái, các nhà NK đã mua khá nhiều tôm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong những lễ hội đầu năm nên sang đầu năm nay, họ chưa khởi động lại việc NK.

Mặt khác, ở thị trường quan trọng nhất của tôm Việt Nam là Mỹ (chiếm 27% lượng tôm XK của Việt Nam năm 2014), do tác động của mức thuế suất quá cao trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với tôm đông lạnh NK nên lượng và giá trị XK tôm sang nước này trong 2 tháng qua đã giảm nhiều.

Trước đó, trong những tháng cuối của năm 2014, do ảnh hưởng của POR8, XK tôm Việt Nam sang Mỹ cũng đã chuyển từ tăng trưởng dương sang tăng trưởng âm. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2014, giá trị XK tôm sang Mỹ đã giảm khảng 10% so với tháng 12/2013. Sự sụt giảm trong XK tôm sang Mỹ rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ tới XK tôm của nước ta.

Chính vì vậy, theo thông tin của một doanh nghiệp chế biến tôm ở Cà Mau, ngoài nỗ lực tìm kiếm khách từ nhiều thị trường, vào thời điểm này, ngành tôm đang trông chờ nhiều vào Hội chợ Thủy sản Quốc tế Boston 2015 sẽ tổ chức vào ngày 15/3 tới để biết được mức độ quay trở lại thị trường tôm của các nhà NK ra sao, nhất là các nhà NK Mỹ.

Chưa biết kết quả Hội chợ Boston sẽ như thế nào, nhưng thông tin mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng vừa giúp cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam phấn khởi lại đôi chút.

Ông Hòe cho biết, DOC vừa ban hành kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 9 (POR9) với tôm đông lạnh NK.

Theo kết quả này, các mức thuế áp cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm mạnh so với mức thuế chống bán phá giá của POR8 được coi là cao nhất từ trước đến nay (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%; Cty Stapimex chịu mức thuế 9,75%; 30 công ty bị đơn khác chịu mức thuế chung là 6,7%).

Cụ thể, kết quả sơ bộ của POR8 cho thấy trong 3 bị đơn bắt buộc của Việt Nam, 1 công ty có mức thuế 1,3%, 1 công ty chịu thuế 1,06%, 1 công ty chịu thuế 0%. Còn các bị đơn khác chịu mức thuế chung là 0,93%.

Theo ông Hòe, kết quả nói trên chưa có tác động vào thực tế bởi đây mới là sơ bộ, còn phải chờ kết quả chính thức công bố sau 6 tháng nữa. Dầu vậy, kết quả này cũng sẽ ít nhiều có những tác động tích cực về mặt tâm lý với các doanh nghiệp Việt Nam và cả các nhà NK Mỹ.

Hy vọng lớn từ Hàn Quốc

Tuy đang gặp khó khăn ở những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản…, nhưng trong năm nay, tôm Việt Nam lại có nhiều triển vọng ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là Hàn Quốc.

Năm 2014, với việc tăng tới 36,4% về lượng và 59,7% về giá trị tôm XK sang Hàn Quốc, Việt Nam đã trở thành nước XK tôm lớn nhất vào nước này với 27.791 tấn, trị giá trên 290 triệu USD.

Như vậy, trong năm qua, Việt Nam chiếm gần 1 nửa trong tổng lượng tôm NK của Hàn Quốc (62.878 tấn). So với nước đứng ngay sau Việt Nam là Trung Quốc, thì lượng tôm của nước ta XK sang Hàn Quốc trong năm ngoái nhiều hơn tới trên 2 lần, còn giá trị thì nhiều hơn tới trên 4 lần.

Điều này khẳng định rõ vị thế tôm Việt Nam ở thị trường đầy tiềm năng này.

Trong năm 2015, XK tôm sang Hàn Quốc được nhận định là sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Ngoài nhu cầu vẫn gia tăng từ thị trường Hàn Quốc và uy tín của tôm Việt Nam, một nguyên nhân rất quan trọng để tin tưởng vào điều này là cuối năm 2014, Việt Nam và Hàn Quốc đã kết thúc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

Với nỗ lực từ hai nước, Hiệp định này sẽ được ký kết trong năm nay, qua đó mở ra cơ hội lớn hơn nữa cho con tôm Việt Nam do được cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội thuận lợi hơn về XK…

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm tôm ở Hàn Quốc lại khá giống với ở Nhật Bản. Mà các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã quá am hiểu nhu cầu tôm của thị trường Nhật Bản và đẩy mạnh chế biến XK vào thị trường này trong nhiều năm qua, nên khá dễ dàng trong việc tiếp cận, đáp ứng nhu cầu tôm của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh XK tôm sang Nhật Bản sẽ còn rất nhiều khó khăn trong năm nay, nhiều doanh nghiệp tôm Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng đẩy mạnh XK sang Hàn Quốc.

 

 


Người viết : Thanh Sơn (Nongnghiep)