Đời sống của một bộ phận dân Thủ đô còn thấp

Đời sống của một bộ phận dân Thủ đô còn thấp

Thứ ba, 03/04/2018, 17:06 GMT+7

Đời sống của một bộ phận dân Thủ đô còn thấp

Đời sống của một bộ phận dân Thủ đô còn thấp

Hà Nội hiện đang là lá cờ đầu của cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM)

Tính đến nay, TP đã có 4 huyện đạt chuẩn, 255 xã (chiếm 66,06% tổng số xã trên địa bàn) được công nhận đạt chuẩn, có 39 xã được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đủ điều kiện trình công nhận.

 

Các huyện như Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất đang phấn đấu gấp rút đạt chuẩn NTM trong năm 2018. Từ năm 2016, ngân sách TP đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khi dành cho xây dựng NTM tới 25.093,3 tỷ đồng, riêng trong 3 tháng đầu năm 2018 là 7.847,3 tỷ đồng.

Mặt khác, địa phương còn tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp từ năm 2016 đến nay được 2.248,9 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2018 là 692,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân năm 2018 với số kinh phí dự tính là 250 tỷ đồng. Tập trung lực để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với 120 mô hình, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp với 95 mô hình. Tuy các mô hình này quy mô chỉ ở mức vừa và nhỏ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá, phù hợp với thực tế.

12345678

Sản xuất ở vùng sâu, vùng xa của Hà Nội

Nhờ đó đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/năm, trong đó một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm...

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016) xuống còn 2,57% (cuối năm 2017), một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Thanh Trì 1,41%, Đông Anh 1,57%…

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,06%. Những kết quả trên đã góp phần ổn định an ninh nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế chung của TP.

Tuy nhiên, phong trào xây dựng NTM ở Hà Nội phát triển không đều khắp giữa các huyện. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn như Ứng Hòa đạt 32,3 triệu đồng/người/năm, Ba Vì 33 triệu, Mỹ Đức 34,1 triệu, Thường Tín 34,5 triệu… trong khi thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 38 triệu.

Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao như Ba Vì (4,66%), Mỹ Đức (4,24%), TX Sơn Tây (3,17%), Chương Mỹ (3,65%)..., trong khi bình quân khu vực nông thôn của TP chỉ là 2,57%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp như Ứng Hòa 29,5%, Chương Mỹ 33%, Mỹ Đức 31,5%... trong khi bình quân khu vực nông thôn toàn TP là 49%.

Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn vùng sâu, vùng xa chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai và nhất là vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở một số làng nghề hiện vẫn chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp khó khăn.

Hà Nội phấn đấu năm 2018 có thêm tối thiểu 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đó là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nhưng làm sao để tạo sự phát triển đồng đều, không bị “vón cục” giữa các địa phương thì cần phải điều chỉnh nhiều về chính sách lẫn nguồn lực đầu tư.
 

Người viết : Lê Ngân