Chuyện làm nông ở Philippines
Thứ hai, 25/04/2016, 10:30 GMT+7
Nhờ ứng dụng công nghệ biến đổi gen (BĐG) vào sản xuất, hàng triệu người nông dân Philippines thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” và vươn lên làm giàu. Trong đó, nhiều nông dân vừa là “nhà khoa học”, vừa là doanh nhân nói tiếng Anh như gió.
Ngô biến đổi gen tốt hơn nhiều người nghĩ
Philippines được biết đến là một đất nước “vạn đảo”, nằm giữa biển Đông mênh mông, vì vậy mỗi năm đất nước này phải gánh chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Do thời tiết khắc nghiệt nên chuột bọ, dịch bệnh diễn ra liên miên, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt là dịch sâu đục thân, cuốn lá trên cây trồng, khiến nhiều năm liền Philippines phải nhập của nước ta hàng triệu tấn lúa/năm.
Người dân vùng Tarla tự hào khoe bắp ngô “khủng” - sản phẩm của công nghệ BĐG.
Tuy nhiên, những năm gần đây người dân Philippines đã dần chủ động được lương thực, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu. Trong khuôn khổ Chương trình “Giao lưu nông dân châu Á – Thái Bình Dương” lần thứ 9, được CropLife châu Á tổ chức tại Philippines, chúng tôi đã có chuyến tham quan cánh đồng ngô ở vùng Tarlac – nơi được coi là “vựa” ngô của Philippines. Ít ai biết được rằng, cách đây hơn 10 năm, Tarlac là vùng cỏ hoang mọc um tùm, trồng ngô kém năng suất, đời sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn…
Khi chúng tôi đặt chân đến nơi và tự mình xuống đồng, nghe những người nông dân ở đây kể về chuyện làm nông, mới thấy có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Nông dân Tarlac hầu hết đều giao tiếp bằng tiếng Anh và họ nói rất trôi chảy. Trên đồng ruộng, họ sử dụng máy móc rất nhiều và thành thạo. Qua trò chuyện, chúng tôi nhận thấy họ nắm rất chắc kiến thức về nông nghiệp, đặc biệt là kiến thức về công nghệ sinh học, BĐG, chính vì thế họ rất chủ động, mạnh dạn đưa công nghệ này vào sản xuất.
Tại Tarlac, chúng tôi gặp chị Eliea Liwarag và được chị kể lại câu chuyện rất xúc động về mình. Chị Eliea cho biết, trước khi đến với cây ngô BĐG, chị làm công nhân, nhưng năm 2003 do lương thấp, chị quyết định nghỉ và về quê trồng ngô. Ban đầu, chị trồng giống ngô thường nên năng suất thấp, lại bị sâu đục thân hoành hành, cỏ dại xâm lấn nên mỗi ha chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng.
Thu nhập không đủ sống, thiếu trước hụt sau nên vợ chồng chị thường nảy sinh mâu thuẫn. Năm 2005 chị định quay lại làm công nhân thì được Tập đoàn Syngenta giới thiệu giống ngô BĐG kháng sâu đục thân, kháng cỏ. “Thú thực lúc đó tôi chưa hiểu gì về ngô BĐG, nhưng cũng mạnh dạn trồng thử, bởi tôi đã rất khổ sở với việc cỏ dại xâm lấn, sâu bệnh phá hoại. Rất may sự lựa chọn của tôi đã đem lại hiệu quả rõ rệt” – chị Eliea chia sẻ.
Từ 2ha ngô ban đầu, đến nay chị Eliea đã có tới 12ha, trong đó 6ha là thuê của người dân với giá 20.000 peso/ha/năm (10 triệu đồng). Chị Eliea cho biết, nếu trước đây năng suất ngô chỉ đạt 4 tấn/ha, thì nay trung bình đạt 10 – 11 tấn/ha, thu về khoảng 80.000 peso/ha, tăng gấp đôi so với trước, trừ chi phí lãi 40 – 50%.
Chị Eliea cho biết thêm: “Nếu trước đây 12ha ngô tôi phải thuê 10 người chăm sóc, thì nay chỉ cần 2 người là đủ mà tôi vẫn có thời gian làm việc khác. Thực tế cho thấy cây ngô BĐG tốt hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Nó không phải là con “ngáo ộp” mà là sản phẩm của công nghệ tiên tiến và chỉ có người tiên tiến mới thấy được hết giá trị của nó”. Sau 10 năm gắn bó với cây ngô BĐG, gia đình chị Eliea đã vươn lên khá giả, trở thành đại lý cấp 1 chuyên thu mua ngô của người dân rồi bán lại cho các công ty lớn. “Tôi cảm thấy vui với công việc này, bởi tôi có thêm thu nhập, lại có thể giúp người dân trong vùng tiêu thụ nhanh, nâng cao giá trị sản phẩm” – chị Eliea nói.
Từ “ô sin” thành “nữ hoàng ngô”
Nơi chúng tôi đến là một cánh đồng ngô rộng lớn thẳng cánh cò bay, với những con đường bê tông thẳng tắp dẫn ra cánh đồng. Việc thu hoạch ngô ở đây đa số bằng máy, vận chuyển bằng ô tô nên nông dân rất nhàn. Thậm chí tôi còn gặp một nữ nông dân đi làm bằng ô tô con, mặc váy, đi guốc cao gót, trang điểm nhẹ, bởi bà không hề phải “chân lấm, tay bùn” mà mọi khâu đã có máy móc xử lý.
Kháng cỏ, sâu đục thân, năng suất cao, hạt đều là những ưu điểm nổi trội của ngô BĐG.
Hỏi chuyện, chúng tôi được biết bà tên là Rosallie M.Ellasus, người được mệnh danh là “nữ hoàng ngô” của Philippines, cũng là người thường xuất hiện trong hầu khắp các cuộc hội thảo về chủ đề ngô BĐG. Bà Rosallie cho biết, trước khi gắn bó với ngô BĐG, bà đã từng thất nghiệp, phải sang Singapore làm giúp việc. Năm 1995, chồng bà mất, một mình bà phải nuôi 3 đứa con nhỏ nên bà buộc phải về nước, rồi tích cóp mua được 1,3ha đất ở San Jacinto để trồng.
Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về nông nghiệp nên ngô bà trồng năng suất rất thấp, cỏ dại, chuột, sâu bọ thường xuyên phá hoại nên mỗi ha bà chỉ thu được khoảng 1.000 USD/năm. Khi đó, bà Rosallie đã nhiều lần cảm thấy chán nản, bởi ngô xấu bán rất khó, giá rẻ bèo. Đang lúc tuyệt vọng, năm 2001, bà may mắn được tham gia một khóa đào tạo về quản lý dịch hại trên ngô. Bà đã nhanh chóng áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất và năng suất ngô tăng lên đáng kể.
Một năm sau, bà tiếp tục được tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại Pangasinan, nơi trồng ngô BĐG đầu tiên ở Philippines. Nhìn những ruộng ngô cây khỏe, bắp to, hạt đều, màu sáng, dưới gốc cỏ sạch bong bà rất thích thú. Sau khi đã tìm hiểu rõ về giống ngô BĐG, bà quyết định đưa vào trồng trên ruộng của gia đình. Vụ ngô năm 2002, bà Rosallie đã khiến hàng nghìn nông dân nơi bà sinh sống kinh ngạc, khi năng suất đạt tới 8 tấn/ha, cao gấp đôi so với năng suất ngô ở các ruộng khác. Vụ sau bà tiếp tục tăng diện tích và hiện nay bà có tới 13ha trồng ngô BĐG. Không giữ kiến thức cho riêng mình, bà tích cực tuyên truyền, giải thích cho bà con nơi đây hiểu về ưu điểm nổi bật của ngô BĐG nên trong một thời gian ngắn, đã có hàng trăm hộ dân đưa ngô BĐG vào gieo trồng.
Bà Rosallie nói: “Với 13ha ngô, năng suất bình quân 9 – 11 tấn/ha/vụ, trừ chi phí tôi thu lãi 2.000 USD/ha. Nhờ cây ngô BĐG mà tôi đã nuôi con cái học hành trưởng thành, hiện cuộc sống gia đình tôi khá ổn định”.
Từ những kết quả đã đạt được trong canh tác và sự đóng góp trong việc phổ biến cây ngô BĐG đến với người dân, năm 2007, bà Rosallie đã đoạt Giải nữ nông dân xuất sắc nhất trong việc nỗ lực cải tạo giống, được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội ngô Philippines, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hợp tác xã trồng ngô quốc gia. Và cái tên “Nữ hoàng ngô” là biệt danh trìu mến mà người dân nơi đây dành cho bà… |
Các tin khác :
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam làm việc với Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc (07/09/2024)
- Tổng hội và K-NURI Hàn Quốc ký Thỏa thuận hợp tác tuyển chọn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (18/03/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam bàn kế hoạch hợp tác với Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn - Việt (07/03/2024)
- Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Nhật Bản (08/12/2023)
- Ký thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (18/05/2023)
- Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Ninh Bình (14/02/2023)
- Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp thông minh (13/03/2023)
- Chương trình Xuất khẩu lao động Nhật Bản miễn phí, cơ hội cho lao động nghèo! (15/11/2022)
- Đồng yên mất giá, Nhật Bản giảm sức hút đối với lao động Việt Nam?? (15/11/2022)
- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tiếp xã giao Ông Lee Byung Ho – Chủ tịch Tập đoàn KRC Hàn Quốc (04/11/2022)