Đồng yên mất giá, Nhật Bản giảm sức hút đối với lao động Việt Nam??
Thứ ba, 15/11/2022, 12:47 GMT+7
Vào năm 2019, MPKen, một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Tokyo chuyên đào tạo các kỹ sư xây dựng Việt Nam muốn làm việc tại Nhật Bản, nhận được lượng đơn đăng ký một khóa học nhiều hơn gấp 5 lần so với 50 suất sẵn có. Nhưng vào mùa thu này, MPKen không kỳ vọng 50 vị trí tương tự cho khóa học mới sẽ được lấp đầy.
Nguyên nhân chính khiến ngày càng ít người lao động quan tâm đến chương trình đào tạo của MPKen là đồng yên giảm giá mạnh. Trong hai năm qua, tính đến giữa tháng 10, đồng yên giảm hơn 20% so với Việt Nam đồng. Các kỹ sư xây dựng nước ngoài ở Nhật Bản kiếm được mức lương trung bình hàng tháng khoảng 200.000 yên (1.325 đô la) trong những năm gần đây, trong khi các kỹ sư xây dựng ở Việt Nam hiện có thể kiếm được khoảng 25 triệu đồng một tháng nhờ lương tăng 10-20%.
Bà Bế Minh Nhật, điều phối viên dự án của MPKen, cho biết vị thế điểm đến làm việc hàng đầu của Nhật Bản đang bị xói mòn nhanh chóng do chênh lệch lương với các nước trong khu vực ngày càng thu hẹp.
Vào mùa xuân năm nay, một phụ nữ 23 tuổi người Philippines bắt đầu làm việc tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Gunma, phía tây bắc Tokyo gửi 30.000 yên, tương đương 15% tiền lương hàng tháng của cô về quê nhà cho gia đình. Giờ đây, cô lo giá trị kiều hối của mình giảm mạnh. Một quan chức cấp cao tại Hiệp hội các cơ quan Philippines được cấp phép chương trình thực tập sinh kỹ thuật, một tổ chức sắp xếp việc làm ở nước ngoài cho người lao động Philippines, nói: “Khi giá trị của đồng yên giảm, nhiều người lao động đến Úc và các nước khác, nơi có mức lương cao hơn và nói tiếng Anh”.
Tiền lương ở Nhật Bản tính theo đồng đô la đã giảm mạnh. Nếu quy đổi theo tỷ giá tháng 9, mức lương trung bình của người lao động Nhật Bản trong năm tài chính 2020 và 2021 thấp hơn 40% so với năm tài chính 2012. Tiền lương ở Việt Nam và Philippines hiện nay vẫn còn thấp so với ở Nhật Bản. Nếu chỉ số mức lương trung bình tính theo đô la trong lĩnh vực phi sản xuất của Nhật Bản là 100 điểm, thì mức lương ở Hà Nội và Manila chỉ từ 20-30. Nhưng chỉ số tiền lương của kỹ sư xây dựng và nhân viên điều dưỡng đã tăng lên 50-70 điểm ở cả hai thành phố này, theo Nikkei Asia.
Trong khi đó, mức lương của lĩnh vực phi sản xuất ở Singapore và Hồng Kông đã vượt quá mức lương ở Nhật Bản. Theo kinh nghiệm chung của ngành nhân sự của Nhật Bản, dòng lao động của một nước đến Nhật Bản bắt đầu giảm khi GDP bình quân đầu người ở nước đó vượt mức 7.000 đô la. Và một khi GDP bình quân đầu người của ở các nước này vượt quá 10.000 đô la, họ sẽ bắt đầu thu hút lao động từ nước khác. Đây là những gì Nhật Bản đã chứng kiến khi Trung Quốc đạt được những cột mốc GDP bình quân đầu người quan trọng này.
Giờ đây, Việt Nam dường như đang đi trên một quỹ đạo giống như Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ khoảng 4.000 đô la lên 7.000 đô la trong khoảng 5 năm tới. Và đà giảm giá mạnh của đồng yen có thể làm giảm ngưỡng GDP bình quân đầu người mà người lao động Việt Nam sẽ chọn làm việc trong nước, thay vì sang Nhật Bản.
Hình ảnh Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài vào năm 2021, chiếm 2,5% dân số đang làm việc và cao gấp 2,5 lần so với một thập niên trước. Người Trung Quốc từng là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất nhưng đến năm 2020, họ đã bị thay thế bởi người Việt Nam. Số lượng lao động từ các nước kém phát triển hơn như Nepal đang tăng lên nhưng sức hấp dẫn của thị trường việc làm của Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm nếu đồng yen suy yếu hơn nữa và mức lương ở những nước khác tăng lên.
Hình ảnh Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Tình trạng thiếu lao động đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng của Nhật Bản. Shogo Iwata, Chủ tịch Hiệp hội gia cố công trình quốc gia Nhật Bản, nói: “Công việc tại các công trường sẽ dừng lại trừ khi tiền lương được cải thiện”.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ước tính để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản sẽ cần thêm 5 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040. Nhiều thực tập sinh và sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản để học các kỹ năng mới thường tham gia vào công việc có mức lương tối thiểu. Chính phủ Nhật Bản đã giới thiệu một chương trình mới để cung cấp cho người lao động nước ngoài mức lương tương đương với các đồng nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật Bản vẫn sử dụng thực tập sinh kỹ thuật để giảm chi phí. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần một hệ thống tốt hơn để nâng lương cho người lao động nước ngoài vì mức lương của họ hiện nay thấp hơn 25% so với mức lương trung bình của cả nước.
Hình ảnh Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Nhật Bản cần làm nhiều hơn ngoài việc tăng lương để thu hút lao động nước ngoài. Lao động nước ngoài tại Nhật Bản phải trả thuế thu nhập trung bình 10%, cao hơn mức thuế thu nhập mà nhiều người lao động phải trả ở Việt Nam và Philippines.
Hồi tháng 9, Four Valley Concierge, một công ty dịch vụ nhân sự ở Tokyo, mở một cơ sở ở Nepal để cung cấp các khóa học tiếng Nhật cho điều dưỡng viên và những người lao động khác. Công ty này cũng có kế hoạch thành lập một tổng đài ở Nhật Bản để cung cấp cho người nước ngoài lời khuyên về cuộc sống ở nước này.
Hình ảnh Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Yohei Shibasaki, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Four Valley Concierge, nói: “Thời kỳ người lao động nước ngoài tự tìm đến Nhật Bản mà chúng tôi không phải làm gì cả sẽ sớm kết thúc. Bây giờ, chúng tôi phải thay đổi quan điểm của mình và học cách đi ra để tìm kiếm lao động nước ngoài”.
Các tin khác :
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam làm việc với Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc (07/09/2024)
- Tổng hội và K-NURI Hàn Quốc ký Thỏa thuận hợp tác tuyển chọn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (18/03/2024)
- Ký thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (18/05/2023)
- Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp thông minh (13/03/2023)
- Chương trình Xuất khẩu lao động Nhật Bản miễn phí, cơ hội cho lao động nghèo! (15/11/2022)
- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tiếp xã giao Ông Lee Byung Ho – Chủ tịch Tập đoàn KRC Hàn Quốc (04/11/2022)
- Bà Chaminade đại diện Tham tán Đại sứ quán Pháp về Nông nghiệp đến thăm và làm việc với Tổng hội NN&PTNT Việt Nam (04/05/2022)
- Đại diện Doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc với Lãnh đạo Tổng hội NN&PTNT Việt Nam (21/04/2022)
- Đài Loan và Việt Nam sắp nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế (17/10/2021)
- Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực - địa chỉ tin cậy giúp người lao động tìm được công việc tốt, lương cao tại Đài loan (14/04/2021)