Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2020” lần thứ 3
Thứ ba, 07/01/2020, 10:24 GMT+7
Chiều nay, 6/1/2020 Tổng hội nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn” lần thứ 3. Đến dự và chỉ đạo có Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp sản - Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 100 doanh nghiệp trên khắp nước về dự.
Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2020” lần thứ 3 bàn về Chủ đề “Kết nối tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị và phát triển bền vững”.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng:
Trong bối cảnh xung đột thương mại ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, một số thị trường (nhất là Trung Quốc) áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông thủy sản từ Việt Nam, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10 - 15%... Tuy nhiên cả năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018 là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành nông nghiệp.
Năm 2019, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước đã thành lập mới 2.756 DN nông nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp,...
Tuy nhiên, Trong năm 2019 ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số tồn tại mà theo Thủ tướng Chính phủ đó là việc cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao, trong đó lao động thời vụ, nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp...
Ông Hùng cũng khảng định, trong ngành nông nghiệp thì không thể thiếu nông dân, và một ngành nông nghiệp hiện đại lại càng không thể thiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững thì chí ít chúng ta phải tạo ra được sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với HTX và với người nông dân... và đó cũng là điều mà Tổng hội nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mong muốn.
Ông Hùng cũng cho biết, hai năm qua, thông qua Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Tổng hội nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổng hợp được nhiều ý kiến quý báu của doanh nghiệp để kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ ngành từ đó giúp Nhà nước hoàn thiện được nhiều chủ trương, chính sách sát với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Cũng từ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, giúp cho người nông dân và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đây cũng là một thành công lớn của Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cũng cho biết khi bước vào tháng 1-2019 thì thị trường Trung Quốc bắt đầu siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, sau đó là ảnh hưởng của thương mại Mỹ-Trung. Vài ngày sau diễn biến mặt hàng gạo trở nên tiêu cực, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi... khiến thị trường vô cùng phức tạp.
Trong các nhóm mặt hàng, chỉ có gỗ, tôm, hạt điều là giữ được kim ngạch trên 3 tỉ USD, gánh cho sụt giảm của ngành gạo, rau quả, thủy sản.
"Chúng ta đang chơi ở một thị trường vô cùng khốc liệt, khốc liệt đến từng mọi ngõ ngách. Nếu thị trường không có đầu ra sẽ rất khó, đây không chỉ là riêng câu chuyên của bộ Công Thương, mà là trách nhiệm chung. Do đó chúng ta luôn xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống nhưng vẫn phải tìm cách đa dạng hóa thị trường. Ngay sau tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ dẫn đầu đoàn sang Brazil để tìm hiểu" - ông Toản thông tin.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết hiện DN Việt Nam đã có mặt tại 193 vùng, lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... cũng chiếm thị phần không nhỏ trong tỉ lệ xuất khẩu của DN Việt Nam.
Thứ trưởng cho rằng hiện nước ta có 8,6 triệu hộ nông dân, hơn 13.000 DN... nên các DN cần phải đi tắt đón đầu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
"Tiềm năng của nông nghiệp còn rất lớn, vấn đề là phải biết nắm thời cơ, có công nghệ cao, có thị trường, đặc biệt là chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng thì nhất định nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, gia tăng thứ hạng quốc tế" - ông Tiến đánh giá.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến để góp phần nâng cáo giá trị cho nông sản Việt, trong đó, bài phát biểu về MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN NỀN TẢNG CỦA PHÁT TIỂN BỀN VỮNG của Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình đã mang đến một khái niệm mới và một mô hình mới về phát triển kinh tế bền vững. Cổng thông tin điện tử Tổng hội nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (tonghoinn.vn) xin trích dẫn lại toàn văn bài phát biểu của Ông Thắng như sau:
MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
NỀN TẢNG CỦA PHÁT TIỂN BỀN VỮNG
-------------------------------------
HÀ VĂN THẮNG
Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp mới chú trọng đến năng xuất, sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa quan tâm đúng mức đến phát tiển bền vững, thân thiện môi trường, đến lượng dư thừa của quá trình sản xuất, đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học vv... hệ quả là gây lãng phí các phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, thậm chí đốt bỏ rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Gần đây, khái niệm và thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu được quan tâm. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng rất linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, an ninh lương thực thực phẩm và phát triển bền vững trở thành vấn đề của toàn nhân loại, thì kinh tế tuần hoàn, bao gồm kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã trở thành một chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm và thảo luận trên diện rộng.
Trong bài này, tôi xin trình bày một số quan điểm về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, vai trò của nông nghiệp tuần hoàn đối với hệ sinh thái, bài học từ kinh nghiệm thực tiễn đã được rút ra từ Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình.
1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn và kinh tế một chiều (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính):
Kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, giá trị gia tăng, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thì hàng năm khoảng 1/3 lượng nông sản của thế giới mất đi hoặc trở thành rác thải, làm lãng phí và tiêu tốn trung bình 260 nghìn USD/người/năm.
Đối với Việt Nam, trong Chiến lược phát triển 2011- 2020 ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào, tăng trưởng bình quân 3%/năm, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu năm nay đat 42 tỷ USD; tuy vậy, nếu xét về chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh thì còn những vấn đề chủ yêu cần giải quyết: 1) Sản xuất nông nghiệp quá chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, it phát thải khí nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất. Chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gây ô nhiễm môi trường; 2) Quá tập trung vào các khâu trước thu hoạch mà chưa tính toán đầy đủ và chưa có giải pháp hiệu quả cho sự thất thoát, lãng phí ở các khâu thu hoạch, sau thu hoạch, lưu thông và tiêu dùng. Theo tính toán của FAO, Việt Nam thất thoát, lãng phí trong chế biến và tiêu dùng nông sản cao gấp 7 lần so với Hà Lan. Thịt, cá, rau quả là mặt hàng bị mất đi trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lớn nhất, trên thế giới trung bình 45% nhưng đối với Việt Nam lên đến 60%; 3) Nhận thức của nông dân chưa đấy đủ, đúng đắn và tính nhân văn đối với việc phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng và trong quản lý, tổ chức sản xuất, sử dụng sản phẩm theo hướng hiệu quả cao, phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Khác với kinh tế tuần hoàn, kinh tế một chiều (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính) chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính nhằm mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái.
Nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước, tạo thêm giá trị gia tăng theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn đến sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường đã bão hòa.
Với tư duy theo hướng kinh tế tuần hoàn, không cái gì bị bỏ đi, các bên đều chiến thắng trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao trong tái chế để tái sử dụng rác thải và phụ phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản tạo ra giá trị gia tăng cao. Đặc biệt có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn thì vừa tránh được những bấp cập trong tiêu hủy, chôn lấp vừa tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế chính xác, thông minh, sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng cái nguổn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Nền kinh tế tuần hoàn còn được gọi là kinh tế không phế thải, tất cả các “chất thải”, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu, hóa chất... đã sử dụng còn trong quá trình sản xuất này sẽ trở thành “nguyên liệu” đầu vào cho quá trình sản xuất khác và quay vòng một cách liên tục và cuối cùng là không để lại chất thải.
2. Các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn.
2.1. Thiết kế tái sử dụng:
Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới, nói một cách khác có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này.
2.2. Khả năng linh động nhờ sự đa dạng:
Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế tuần hoàn, cần phải có sự đa dạng với nhiều loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản suất. Đồng thời, các mạng lưới kinh doanh phải có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho các hệ thống sản xuất linh động như vậy.
2.3. Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận:
Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có, đó là năng lượng tái chế và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện của nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái chế.
2.4. Tư duy hệ thống:
Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là vòng lặp phản hồi (là mỗi cấu trúc hệ thống trong đó đầu ra ở mỗi mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó). Trong các hệ thống đó, sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố tác động thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất.
Để làm được điều này cần phải có sự định hướng lâu dài tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn. Các hệ thống tác động lẫn nhau, từ đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp luân hồi giúp gia tăng tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.
2.5 Nền tảng sinh học:
Càng ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng diễn ra dựa trên quy tắc “ phân tầng”; các thành phần sinh học được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về cái chu trình sinh quyển.
Trong thời gian qua Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để sử lý chế thải trong chăn nuôi; xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Với quy mô chăn nuôi tập trung 5000 đàn trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất đã sử dụng khoảng 30 nghìn tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất khoảng 25 nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh.
Để có những kết quả trên, chúng tôi đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp trong quá trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là bài toán chia sẻ lợi ích cho các thành phần và đối tượng liên quan được quan tâm đến mức tốt nhất có thể, do đó họ dễ nhận diện được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia chuỗi giá trị sản phẩm….
3. Kiến nghị các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao là đầu mối để quản lý, thống nhất về chất thải rắn trong cả nước tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ.
Gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO). Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, người dân và doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ốn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với kinh tế tuần hoàn; doanh nghiệp là động lực quan trọng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.
Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho “Đổi mới – Sáng tạo” sẽ không còn là các cuộc vận động mà là “Đổi mới – Sáng tạo” cần có địa vị pháp lý rõ ràng; bởi vì để hỗ trợ phát triển được nền kinh tế tuần hoàn thì “Đổi mới – Sáng tạo” giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Nếu thiếu khuôn khổ pháp lý, các thiết chế lỗi thời sẽ là rào cản của hoạt động Đổi mới - Sáng tạo.
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu vật liệu và tiếp cận các quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Bên cạnh đó đề ra lộ trình tiếp thu thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, chống đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Chúng tôi đề nghị cần đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết của Đảng và đề nghi Quốc hội ban hành luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; xác định rõ ràng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm làm hạt nhân nòng cốt.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, do đó thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà nước ta đang hướng tới vì mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững ./.
Các tin khác :
- Hơn 500 Doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024 (21/11/2024)
- Tôn vinh 88 “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024” (12/10/2024)
- Mở hội thảo bàn cách phôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai (23/10/2024)
- Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp: Cần sợi dây kết nối (01/10/2024)
- Thay đổi thời gian, địa điểm Tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành phân bón và bảo vệ thực vật trong chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững”. (16/09/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam và những sự kiện nổi bật trong Qúy IV (12/09/2023)
- Mời tham dự Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành phân bón và bảo vệ thực vật trong chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững” (31/08/2023)
- Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp tại Lâm Đồng (03/08/2023)
- Tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp năm 2023” tại Lâm Đồng (11/07/2023)
- Hội thảo Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp (23/03/2023)