Giá bắp Mỹ tăng mạnh và tác động

Giá bắp Mỹ tăng mạnh và tác động

Thứ sáu, 10/07/2015, 09:31 GMT+7

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của giá bắp thế giới, thị trường bắp nội địa cũng có những thay đổi nhanh chóng cả về giá lẫn quy mô giao dịch.

Diễn biến giá bắp Mỹ trong năm 2013-2015 (đô la Mỹ/tấn). Nguồn: CSDL AgroMonitor
Diễn biến giá bắp Mỹ trong năm 2013-2015 (đô la Mỹ/tấn). Nguồn: CSDL AgroMonitor

Giá bắp Mỹ đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong tuần cuối cùng của tháng 6 nhờ được hỗ trợ từ những thông tin bất lợi về sản xuất bắp tại Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần, giá bắp Mỹ đã tăng tới hơn 20 đô la Mỹ/tấn - mức tăng được xem là đột biến trong nhiều năm trở lại đây.

Diễn biến giá bắp thế giới

Trong báo cáo được công bố vào ngày 30-6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, diện tích gieo trồng bắp của Mỹ trong niên vụ 2015-2016 được ước tính giảm khoảng 2% so với niên vụ trước, đạt 88,9 triệu mẫu - mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Giá bắp trên thị trường Chicago (Mỹ) vốn đang được hỗ trợ bởi các thông tin thời tiết bất lợi tại Mỹ đã tiếp tục có một phiên tăng điểm rất mạnh khi tăng tới 12 đô la Mỹ/tấn (tương đương mức tăng 7%) so với phiên trước và leo lên mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Bên cạnh yếu tố suy giảm về diện tích gieo trồng thì tồn kho bắp Mỹ thấp hơn kỳ vọng thị trường cũng góp phần khiến giá bắp tăng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho bắp Mỹ tính đến ngày 1-6-2015 đạt 4,45 triệu bushel (1 bushel = 25,4 ki lô gam), mặc dù tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại thấp hơn kỳ vọng của các thương nhân (4,55 triệu bushel).

Sự đi lên của giá bắp trong các phiên giao dịch cuối tháng 6 đã giúp giá bắp trung bình tháng 6 tăng nhẹ 2 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước cho dù hồi giữa tháng 6 giá bắp Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2014. So với mức đáy 137 đô la Mỹ/tấn được thiết lập vào ngày 15-6-2015 thì giá bắp Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 30-6 đã tăng tới gần 30 đô la Mỹ/tấn.

Tác động đến thị trường Việt Nam

Chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, giá bắp Mỹ đã tăng tới hơn 20 đô la Mỹ/tấn - mức tăng có thể coi là đột biến trong bối cảnh giá bắp đi xuống liên tục trong những tháng đầu năm, vượt qua mọi dự đoán của các thương nhân. Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, khi giá bắp thế giới liên tục tăng vài đô la Mỹ mỗi phiên thì gần như ngay lập tức giá bắp tại thị trường nội địa Việt Nam cũng được đẩy tăng đáng kể, nhất là trong bối cảnh tàu bắp nhập của các đơn vị thương mại về cảng không nhiều và tàu bắp nhập của các đơn vị sản xuất bị trễ so với dự kiến.

Giá bắp hàng xá giao lên xe tại cảng Hải Phòng tuần này được điều chỉnh tăng lên mức 5.200 đồng/kg, từ mức 5.100 đồng/kg của tuần trước. Tại cảng Vũng Tàu, giá cũng điều chỉnh tăng lên mức 5.100 đồng/kg từ mức 4.900-5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau phiên tăng giá mạnh của thị trường bắp thế giới hôm 30-6, hầu hết các đơn vị thương mại tại Việt Nam tạm thời ngừng các hoạt động chào mua, chào bán, chờ các diễn biến tiếp theo của thị trường. Có những thông tin cho rằng, giá bắp nội địa có thể được điều chỉnh mạnh lên mức 5.400-5.500 đồng/kg cho dù giá bắp nhập khẩu thực tế về cảng chỉ khoảng 210 đô la Mỹ/tấn (tương đương giá khoảng 5.000 đồng/kg) nhằm bù lỗ cho các lô hàng nhập về của các tháng trước đó.

Với những lô hàng bắp về cảng trong tháng 7 và tháng 8, giá sẽ khá thấp, chỉ dao động quanh ngưỡng 190 đô la Mỹ/tấn CNF, tương đương giá khoảng 4.500 đồng/kg. Mặc dù vậy, cũng không có nhiều đơn vị ký mua ở mức giá này do trước đó giới thương nhân khá dè dặt khi chào bán hoặc chào mua những hợp đồng giao tháng 7, tháng 8 do lo ngại dư cung tại thị trường nội địa và sự sụt giá sâu hơn nữa của thị trường thế giới.

Diễn biến giá bắp giao dịch tại thị trường nội địa năm 2013-2015 (giá về nhà máy thức ăn chăn nuôi (TACN) khu vực miền Bắc và miền Nam, đồng/kg). Nguồn: CSDL AgroMonitor
Diễn biến giá bắp giao dịch tại thị trường nội địa năm 2013-2015 (giá về nhà máy thức ăn chăn nuôi (TACN) khu vực miền Bắc và miền Nam, đồng/kg). Nguồn: CSDL AgroMonitor

Triển vọng nguồn cung bắp nhập khẩu và nội địa

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2015, nhập khẩu bắp của Việt Nam ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng tới gần 800.000 tấn (tương đương tăng 33%) so với cùng kỳ năm trước. Kể từ tháng 7 trở đi cho tới tháng 10, nhập khẩu bắp của Việt Nam có thể sẽ đạt thấp giống như chu kỳ nhập khẩu những năm trước đó, do giai đoạn này trùng với vụ thu hoạch bắp nội địa nên các nhà máy sẽ tập trung cho việc thu mua bắp nội địa. Trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9-2015, dựa trên những thông tin về tàu dự kiến cập cảng Cái Lân, Vũng Tàu cùng với những thông tin về tàu xếp hàng tại cảng xuất của khu vực Nam Mỹ thì lượng bắp về Việt Nam trung bình mỗi tháng kể trên đạt khoảng 200-300.000 tấn.

Tuy nhiên, với lượng hàng về trong tháng 7 thì hàng chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 7 do tình trạng kẹt cầu tại các cảng khu vực Nam Mỹ trong tháng 5 khiến cho các tàu về Việt Nam trễ hơn so với dự kiến. Đáng chú ý, trong tổng lượng bắp dự kiến về các cảng trong tháng 7 - tháng 9, lượng hàng của các đơn vị thương mại chiếm tỷ trọng khá nhỏ, chủ yếu là hàng của các đơn vị sản xuất. Do vậy, nguồn cung bắp từ các đơn vị thương mại ra thị trường trong tháng 7 sẽ không nhiều.

Diễn biến giá bắp nhập khẩu về cảng khu vực miền Bắc và miền Nam trong năm 2012-2015 (đô la Mỹ/tấn, CNF). Nguồn: CSDL AgroMonitor
Diễn biến giá bắp nhập khẩu về cảng khu vực miền Bắc và miền Nam trong năm 2012-2015 (đô la Mỹ/tấn, CNF). Nguồn: CSDL AgroMonitor
Lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam năm 2011-2015 (ngàn tấn). Nguồn: AgroMonitor Tổng hợp
Lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam năm 2011-2015 (ngàn tấn). Nguồn: AgroMonitor Tổng hợp

Đối với nguồn cung bắp nội địa, theo thông lệ thu hoạch hàng năm, từ cuối tháng 7 bắp bắt đầu được thu hoạch tại một số khu vực của Hòa Bình sau đó từ cuối tháng 8 sẽ thu hoạch tại Sơn La, Lai Châu của miền Bắc, Gia Lai và Đắc Lắc của miền Trung. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các thương nhân, thu hoạch bắp nội địa năm nay sẽ đến muộn hơn từ nửa tháng đến một tháng so với những năm trước do thời tiết khô hạn, ít mưa, làm chậm tiến độ tăng trưởng của bắp.

Không chỉ đến muộn hơn so với mọi năm, nguồn cung bắp nội địa còn được dự báo sẽ suy giảm khá mạnh do diện tích gieo trồng bị thu hẹp và năng suất giảm do hạn hán. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến hết ngày 15-6-2015, diện tích gieo trồng bắp cả nước đạt 771.500 héc ta, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng tiêu thụ bắp nội địa và xuất khẩu biên mậu đi Trung Quốc

Theo con số công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê thì sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm trong sáu tháng đầu năm 2015 ước đạt gần 5,5 triệu tấn, tăng mạnh 16,3% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng thức ăn công nghiệp tăng cùng với việc giá bắp đang khá cạnh tranh so với giá cám gạo và giá sắn lát khiến cho tỷ lệ sử dụng bắp trong thức ăn gia súc được duy trì ở mức cao.

Với con số 5,5 triệu tấn sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp trong sáu tháng năm 2015 thì lượng bắp sử dụng được ước tính vào khoảng 1,6-2 triệu tấn (giả định tỷ lệ sử dụng bắp trong TACN là 30-35%). Cộng thêm một lượng lớn bắp được sử dụng cho các trang trại theo hình thức tự trộn thì lượng bắp tiêu thụ nội địa trong 6 tháng đầu năm 2015 vào khoảng 2-2,5 triệu tấn. Số bắp còn lại từ nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2015 và tồn kho năm trước chuyển sang có thể đang ở dạng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất TACN và các doanh nghiệp thương mại hoặc đã được xuất khẩu biên mậu đi Trung Quốc.

Trong ba tháng đầu năm 2015, theo đánh giá của thương nhân, mỗi tháng có khoảng trên dưới 150.000 tấn bắp được xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tuy nhiên, từ tháng 4 cho đến giữa tháng 6, bắp hầu như không đi được qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc do cấm biên cả ở phía Việt Nam lẫn Trung Quốc. Việc cấm biên kéo dài hơn hai tháng tại các cửa khẩu khiến cho lượng bắp còn tồn tại khu vực Lào Cai, Lai Châu đến cuối tháng 5 được ước tính còn khoảng 40.000-50.000 tấn.

Kể từ giữa tháng 6 trở lại đây, bắp đi biên mậu có lai rai trở lại tại một số cửa khẩu nhỏ như Mường Khương (Lào Cai) hoặc Ma Lù Thàng (Lai Châu) hoặc Chi Ma (Lạng Sơn), với lượng được ước tính khoảng 1.000-1.500 tấn/ngày/cửa khẩu góp phần giải phóng lượng hàng tồn kho trước đó. Nhận định chung của thương nhân cho rằng, ít nhất cho đến đầu tháng 8, bắp đi biên mậu vẫn không có nhiều đột biến, do những bất ổn liên quan đến vấn đề biển Đông và nhu cầu của Trung Quốc giai đoạn này là khá chậm.

Nhận định của AgroMonitor, giá bắp tại thị trường nội địa sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo đà tăng của giá kỳ hạn trên thị trường thế giới, bất chấp xu hướng giảm của giá bắp nhập khẩu về cảng trong tháng 7 và tháng 8 do sự chậm trễ từ vụ thu hoạch bắp nội địa cũng như sự thiếu hụt về nguồn cung bắp nhập khẩu của các đơn vị thương mại. Tuy nhiên, giá bắp sẽ khó tăng mạnh do thị trường vẫn có những hoài nghi về xu hướng giá thế giới trong ngắn hạn, nhất là khi Argentina vẫn đang trong vụ thu hoạch bắp và nhu cầu mua bắp từ các đơn vị sản xuất lớn không còn mạnh như giai đoạn vừa qua khi các tàu bắp của họ bị trễ trước đó sẽ về đến cảng vào nửa cuối tháng 7.

 

 


Người viết : Trần Ngọc Yến - TBKTSG