Hội thảo Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp
Thứ năm, 23/03/2023, 11:45 GMT+7
Sáng ngày 23/3, tại Hà Nội. Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ lâu đã có nhiều quyết sách lớn, quan trọng nhằm phát triển nền nông nghiệp nước nhà một cách hiệu quả và bền vững.
Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng phát biểu khai mạc hội thảo
Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Ngày 26-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, phục vụ việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.
Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng AI đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.
Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nông nghiệp là một trong 8 ngành được Chính phủ ưu tiên lựa chọn để đáp ứng được các chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, liên quan đến nhiều tác nhân khác nhau: quản lí nông nghiệp, các doanh nghiệp, hiệp hội, bà con nông dân…
Ông Toản dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Năm 2023 là năm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa, thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”, để nói người nông dân vẫn là căn cốt của mọi chủ thể nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
“Xu hướng số đang dịch chuyển nền kinh tế số. Vùng nông thôn sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số”, ông Toản nhận định.
Ông nói, về nông thôn ngày nay, bản thân người nông dân đều sử dụng smartphone, đều biết dùng mạng xã hội. Về ĐBSCL, ông thấy nhiều hội nhóm, hội quán được lập ra và sự tương tác của họ vô cùng năng động. Nhiều nông dân chủ động lên mạng tìm phương thức giao dịch, thậm chí giao dịch với Alibaba, Amazon… Nhiều hợp tác xã của chúng ta đã làm được.
Ông Nguyễn Quang Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp
Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp của các nước. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, từ năm 2005 tới năm 2022, người ta đã xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp, đề ra chiến lược chấn hưng nông thôn 2018 – 2022, thúc đẩy kinh tế số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp. Đồng thời, phát triển nhanh thương mại điện tử nông thôn, phủ sóng toàn diện internet tại nông thôn và thúc đẩy kinh tế nông thôn…
Theo đó, định hướng của Chính phủ Việt Nam về CĐS nông nghiệp, đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; Thúc đẩy phát triển nông dân số; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Tự động hóa quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử trong ngành nông nghiệp; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành…
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để CĐS thành công, Việt Nam cần phải giải quyết các nút thắt về nhận thức, thể chế CĐS trong quản lý, điều hành; về kiến trúc dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; về hạ tầng thiết bị, về phần mềm phục vụ chỉ đạo, về nguồn lực đầu tư…
AI có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất
TS Trần Quý – Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam – cho hay, AI đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Sử dụng AI có thể giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng suất và giảm thiểu chi phí, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ông Trần Quý chỉ ra một số ứng dụng AI trong nông nghiệp tại Việt Nam như Dự báo thời tiết và mô hình hóa tài nguyên nước; Theo dõi sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật; Ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; Tăng cường hiệu quả sản xuất bằng cách tối ưu hóa phân bón và thuốc trừ sâu; Tăng cường quản lý đàn gia súc và giảm thiểu tác động đến môi trường…
TS Trần Quý chia sẻ tại Hội thảo.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức trong ứng dụng AI trong nông nghiệp tại nước ta. Giá phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang cao, nhất là trong những năm gần đây khi các công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ. Nông dân Việt Nam cũng cần được đào tạo để sử dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, theo ông Quý, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
“Để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong nông nghiệp cần có sự đầu tư và nghiên cứu, cần sự hợp tác giữa nhà sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu của thị trường", ông nói.
PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam - nhấn mạnh đến các giải pháp quản lý chất lượng nông sản. Để nông sản có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, bán được giá, cần sản xuất theo tiêu chuẩn Gap nói chung, phải được minh bạch có giám sát theo chuỗi giá trị, phải có hợp đồng tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch có giám sát, xác nhận chất lượng của bên thứ ba và các cấp quản lý.
PGS.TS Mai Quang Vinh
“Tại các nước EU tuy đã có trình độ phát triển nông nghiệp cao, quy mô lớn, hằng năm mỗi ha canh tác vẫn được Liên minh châu Âu tài trợ cho nông dân 250 Euro (hơn 6 triệu đồng/ha) cho quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường nông nghiệp. Mỗi ha phải đóng phí 100 Euro/ năm giao cho Trung tâm dịch vụ vùng hỗ trợ cho giám sát, kiểm tra chất lượng”, ông Vinh lấy ví dụ.
PGS.TS Mai Quang Vinh đề xuất, Nhà nước cần ban hành chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng. Đồng thời, có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ CĐS quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…
“Tại các nước EU tuy đã có trình độ phát triển nông nghiệp cao, quy mô lớn, hằng năm mỗi ha canh tác vẫn được Liên minh châu Âu tài trợ cho nông dân 250 Euro (hơn 6 triệu đồng/ha) cho quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường nông nghiệp. Mỗi ha phải đóng phí 100 Euro/ năm giao cho Trung tâm dịch vụ vùng hỗ trợ cho giám sát, kiểm tra chất lượng”, ông Vinh lấy ví dụ.
PGS.TS Mai Quang Vinh đề xuất, Nhà nước cần ban hành chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng. Đồng thời, có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ CĐS quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam
Tại hội thảo, đại diện của các doanh nghiệp, đơn vị cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thực tiễn ứng dụng AI vào trong hoạt động sản xuất, như ứng dụng AI vào truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, giải pháp ánh sáng và điều khiển ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thông minh, giải pháp đánh giá sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản lý, điều khiển nông trại lớn bằng trí tuệ nhân tạo...
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội NN&PTNT cho biết, sau Hội thảo này, Ban tổ chức sẽ có những ý kiến, kiến nghị kịp thời bằng văn bản gửi tới Chính phủ, Bộ ngành để có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển CĐS nói chung và công nghệ AI nói riêng trong nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.
Theo ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp, có một số vấn đề cần được làm rõ:
- Chính phủ, Bộ NN&PTNT phải làm rõ ngành nào, lĩnh vực nào trong nông nghiệp có thể đi trước một bước thì cần phải ưu tiên hơn nhằm tạo ra đột phá. Chính sách đi theo là gì, để có thể trở thành một mô hình dẫn dắt?
- Ai làm, ai đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp?
- Ai đồng hành, dẫn dắt?
- Vì ứng dụng công nghệ mới, chi phí cao, rủi ro nhiều, ai bảo hộ?
- Chính phủ cần có quy hoạch, quy định, chiến lược rất cụ thể ra sao, để làm sao sớm, bền vững, nhất quán trong việc đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp?
Các tin khác :
- VINACHEM EXPO 2024: Hướng tới phát triển xanh và bền vững ngành công nghiệp Hóa chất (28/11/2024)
- Vinachem Expo 2024 quy tụ hơn 700 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế (26/11/2024)
- Hơn 500 Doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024 (21/11/2024)
- Tôn vinh 88 “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024” (12/10/2024)
- Mở hội thảo bàn cách phôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai (23/10/2024)
- Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp: Cần sợi dây kết nối (01/10/2024)
- Thay đổi thời gian, địa điểm Tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành phân bón và bảo vệ thực vật trong chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững”. (16/09/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam và những sự kiện nổi bật trong Qúy IV (12/09/2023)
- Mời tham dự Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành phân bón và bảo vệ thực vật trong chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững” (31/08/2023)
- Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp tại Lâm Đồng (03/08/2023)