Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Thứ tư, 26/08/2015, 16:32 GMT+7
Ngày 25/8, tại TPHCM, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu: ông Đỗ Văn Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ông Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương, ông Phạm Văn Rạnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đại diện lãnh đạo TPHCM, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng hội NN – PTNT VN, ông Trần Đình Thiên - Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Trung ương và các địa phương, các chuyên gia hàng đầu từ các trung tâm nghiên cứu kinh tế, và đặc biệt là sự tham dự của gần 100 đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và 36 cơ quan thống tấn, báo chí, truyền hình đến tham dự đưa tin về hội thảo.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
Hội thảo đã nhận được 15 báo cáo tham luận và hơn 30 kiến nghị của các đại biểu tham dự. Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ông Hồ Xuân Hùng tổng kết và đưa ra kết luận về hội thảo:
Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề sau:
Doanh nghiệp Việt Nam ủng hội chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bằng phương pháp công nghiệp hóa nền nông nghiệp nước nhà.
Các doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới với tinh thần trách nhiệm cao, thi đua làm giàu, doanh nghiệp và người dân cùng có lợi.
Trong nhiều năm, đặc biệt là từ khi có nghị quyết trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể giúp cho toàn xã hội nhận thức đúng hơn về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước và đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những năm gần đây số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng dần. Mặc dù đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp chưa đáp ứng được mong muốn cũng như tiềm năng, nhưng một số doanh nghiệp lớn đã xuất hiện trong lĩnh vực nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Công ty Ba Huân, TH TrueMilk…
Hội thảo thống nhất khẳng định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập biểu hiện trên 2 mặt: thứ nhất, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa, đưa công nghệ vào nông nghiệp, dẫn dắt kinh tế nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã cùng phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp đi đầu trong tổ chức lại sản xuất chuỗi giá trị, từ tổ chức lại quy mô sản xuất, đất đai, tổ chức lại lao động và là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường.
Tuy vậy, một câu hỏi lớn đặt ra tại hội thảo này là vì sao sau nhiều năm, nhiều chính sách như vậy mà doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với nông nghiệp và nông thôn. Số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít, bởi các lý do chính sau đây:
Rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề đất đai. Mặc dù Đảng và Nhà nước, các địa phương đã có nhiều luật, nghị định, quyết định, song đến nay vẫn chưa tháo gỡ được, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để doanh nghiệp mở ra những quy mô sản xuất mới.
Thủ tục hành chính vẫn đang quá rườm rà, công chức hành chính vẫn chưa đồng hành cùng doanh nghiệp. Thậm chí không ít tổ chức hành chính, tổ chức chính trị xã hội đang coi doanh nghiệp như “chùm khế ngọt” làm cho doanh nghiệp vừa tốn kém tiền của, vừa mất nhiều thời gian.
Nhiều chính sách chưa sát với mong muốn của doanh nghiệp, chưa xử lý được những mâu thuẫn và những rủi ro mà doanh nghiệp thường gặp phải và đang đối mặt từng ngày khi đầu tư vào nông nghiệp. Hơn nữa có những chính sách thiếu thực tế với nhu cầu phát triển và khởi nghiệp của doanh nghiệp.
Hệ thống hỗ trợ như tín dụng, bảo hiểm và hệ thống khuyến khích doanh nghiệp phát triển chưa đủ để tạo ra lực đẩy để những doanh nghiệp lớn đầu tư cho nông nghiệp.
Hệ thống pháp luật, pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp còn bất cập, chưa hoàn thiện. Vì vậy doanh nghiệp chưa an tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và lúng túng trong việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài cùng đồng hành với mình phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn tương xứng như đã từng quan tâm đầu tư cho công nghiệp hay du lịch, thương mại. Thậm chí không ít địa phương thiếu “thủy chung” với doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề quy hoạch hoặc những cam kết khi kêu gọi đầu tư. Mới nhất là Nghị định 210/2013/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp và một số chính sách liên quan đến nông nghiệp còn nhiều điểm thiếu khả thi và chưa đủ để để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.
Các đại biểu tham dự trao đổi bên lề hội thảo
Từ những bất cập như trên, qua báo cáo tham luận và thảo luận đã có hơn 30 kiến nghị, hội thảo thống nhất đề nghị Chính phủ và một số cơ quan liên quan 2 nhóm vấn đề sau đây:
Nhóm 1: Đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại sau 2 năm thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP, trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ vấn đề khó khăn nhất hiện nay là vấn đề đất đai theo hướng làm sao để doanh nghiệp chỉ trả tiền mua (hoặc thuê) đất một lần, tránh tình trạng để doanh nghiệp thỏa thuận với dân nhưng thực tế là mua một lần, sau đó lại trả tiền thuê đất trên chính mảnh đất mình vừa mua. Cần có chính sách tích tụ ruộng đất, sớm hình thành thị trường đúng nghĩa với thị trường đất đai, doanh nghiệp mới có cơ hội để phát triển và mở rộng sản xuất được.
Nhóm 2: Đề nghị chính phủ cần chỉ đạo xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, cụ thể như sau:
- Cần phải có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là chính sách bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp mà hiện nay Chính phủ đang áp dụng thí điểm tại 13 tỉnh, thành với 3 loại sản phẩm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các trang trại, doanh nghiệp nhỏ…
- Cần có chính sách tín dụng ưu đãi thông thoáng cho doanh nghiệp vào nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất.
- Làm rõ chính sách đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp công nghệ cao… cũng giống như chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cho khu công nghiệp.
- Cần rà soát lại chính sách thuế hiện có, tránh đánh thuế trùng, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp từ kê khai đến nộp thuế. Tiếp tục rà soát các thủ tục phí, thủ tục hành chính như đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi để xóa bỏ những loại phí, thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, cho nông dân; nhất là các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu, đăng ký sản phẩm mới…
- Chính sách giá và minh bạch thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp từ đầu vào, đầu ra, vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh bị méo mó về giá và tránh được tình trạng bán phá giá, hàng giả đang làm chết hàng thật. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tàu tạo liên kết bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến thị trường.
- Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ.
- Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường Quốc tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm với Ban tổ chức
Nhìn chung, hội thảo thống nhất khẳng định sự ủng hộ của doanh nghiệp đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước tiếp tục tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết 26 Trung ương khóa 10 đã thông qua và đang được tiếp tục thảo luận tại đại hội khóa 12 của Đảng sắp tới. Nếu chính phủ tiếp tục điều chỉnh một số chính sách thiết thực hơn về phát triển nông nghiệp, nhất định doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Tổng hội NN-PTNT VN sẽ tập hợp các ý kiến, phát biểu tham luận của các đại biểu tại hội thảo để báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan; đặc biệt là 2 nhóm kiến nghị trên để tạo sự đồng thuận, chia sẻ với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tổng hội NN-PTNT VN sẽ tiếp tục cùng các cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông, làm rõ hơn vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công tốt đẹp.
Các tin khác :
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp (10/12/2024)
- VINACHEM EXPO 2024: Hướng tới phát triển xanh và bền vững ngành công nghiệp Hóa chất (28/11/2024)
- Vinachem Expo 2024 quy tụ hơn 700 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế (26/11/2024)
- Hơn 500 Doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024 (21/11/2024)
- Tôn vinh 88 “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024” (12/10/2024)
- Mở hội thảo bàn cách phôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai (23/10/2024)
- Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp: Cần sợi dây kết nối (01/10/2024)
- Công ty Cổ phần Sinh học Sinh trưởng Cây trồng Mùa Vàng trở thành hội viên Tổng hội (01/08/2024)
- Chuẩn bị Đại hội Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ III (2024 - 2029) (04/06/2024)
- Diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 (11/04/2024)