Nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở châu Âu, Nhật Bản

Nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở châu Âu, Nhật Bản

Thứ hai, 27/07/2015, 08:55 GMT+7

Sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước hiện đã được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản…

Được hình thành và phát triển từ hơn 200 năm trước, đến nay, làng nghề nước mắm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã và đang khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước bởi hương vị thơm ngon đặc trưng mà không một vùng miền nào có được.

Nước mắm Phú Quốc từ lâu đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước không chỉ nhờ độ đạm cao, có màu, mùi, vị thơm ngon đặc trưng mà còn bởi truyền thống làm nước mắm lâu đời của người dân nơi đây.

Nước mắm Phú Quốc phải tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất
Nước mắm Phú Quốc phải tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất

Cũng như bao cơ sở làm nghề sản xuất nước mắm khác trên địa bàn này, bà Hồ Thị Kim Liên, Chủ hãng nước mắm Khải hoàn Phú Quốc với 3 đời làm nghề sản xuất nước mắm cho biết, nước mắm Phú Quốc trước tiên phải được làm từ con cá cơm đánh bắt tại vùng biển Phú Quốc. Những con cá khi đánh bắt lên phải được ướp ngay với công thức 3 cá - 1 muối. Điều quan trọng nhất là phải làm tại Phú Quốc bởi trong điều kiện môi trường, khí hậu phù hợp của hòn đảo này mới cho ra được sản phẩm đặc trưng.

“Nước mắm Khải Hoàn cũng như các hãng nước mắm của Phú Quốc phải tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ được cái bí quyết của nghề truyền thống từ trước đến nay do ông cha để lại, từ đó giữ được long tin yêu của người tiêu dùng, khách du lịch mỗi khi mua sản phẩm nước mắm Phú Quốc”, bà Hồ Thị Kim Liên nói.

Quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc hoàn toàn được làm theo phương pháp truyền thống. Cá được ủ vào thùng gỗ chứ không ướp vào bồn được làm từ các hợp chất khác. Một thùng có thể ủ từ 12-13 tấn cá, cộng với điều kiện khí hậu, môi trường sinh thái, để đúng 12 tháng sẽ cho ra khoảng 3.000 lít nước mắm.

Đặc biệt, nước mắm Phú Quốc chỉ làm từ cá Cơm than đen, Than Đỏ, và Sọc Tiêu mà không làm bằng loại cá khác nên độ đạm tự nhiên rất cao có thể đạt tới 43 đến 45 độ. Đó là chỉ số độ đạm cao nhất có thể đạt được của nước mắm nguyên chất bằng biện pháp sản xuất tự nhiên.

Một đặc tính khác là nước mắm Phú Quốc rất trong và có màu vàng cánh rán đậm, mùi thơm nhẹ rất riêng, vị mặn đậm đà, không chát. Chính vì vậy mà nước mắm Phú Quốc được nhiều người lựa chọn sử dụng.

Để tránh hàng giả, hàng nhái, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy công nhận độc quyền chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Theo đó, chỉ có nhà sản xuất nước mắm ngay tại Phú Quốc và đạt một số tiêu chuẩn do Hội nước mắm đưa ra mới được sở hữu tên gọi này. Thống kê của Hội Nước mắm Phú Quốc cho thấy, hiện có khoảng 70 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Phú Quốc được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Ông Huỳnh Văn Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này, hầu như các cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc đã thực hiện theo đúng quy trình sản xuất. Phòng cũng đã tham mưu cho Sở khoa học và Công nghệ cũng như các cấp lãnh đạo thành lập ban kiểm sát nước mắm, hỗ trợ cho hội nước mắm để quản lý thương hiệu nước mắm trên địa bàn huyện.

Hiện nay, nước mắm Phú Quốc không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản… Với hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, hàng năm đảo Phú Quốc cung ứng ra thị trường hơn 30 triệu lít nước mắm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Đối với du khách, nước mắm Phú Quốc luôn là món quà đầu tiên được mua để biếu người thân mỗi khi có dịp đến hòn đảo Ngọc. Với hàng chục cơ sở sản xuất nước mắm với quy mô lớn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hy vọng sản phẩm của người dân và các cơ sở sản xuất, thương hiệu nước mắm Phú Quốc sẽ còn tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

 


Người viết : Phan Ánh (VOV)