Ốc đinh... xuất ngoại

Ốc đinh... xuất ngoại

Thứ năm, 31/03/2016, 08:51 GMT+7

Thân hình nhỏ như con ốc vít, bên trong ruột bé nhỏ, trước đây người dân khai thác về nung vôi, cho vịt, ngan… ăn thì bỗng một ngày thương lái đến thu mua số lượng lớn. Người dân hỏi mua làm gì: Họ trả lời xuất khẩu. Nghe xong, ai cũng tưởng đùa.

Sống theo con nước

9 giờ đêm, nước xuống để lại cửa biển An Hòa, sông Trường Giang những bãi bùn, cát nhô lên. Trên đó có loại ốc thân dài, đuôi nhọn nhô lên, lúc này hàng trăm người ở các xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa… huyện Núi Thành, Quảng Nam dong thuyền, đỏ đèn chờ sẵn để săn bắt.

Người dùng tay nhặt, người dùng ghe cào. Trong đám người đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường, thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải vui vẻ nói: Hôm nay nhằm con nước chắc chắn sẽ khai thác được nhiều.

Tôi hỏi: Sao anh biết? 10 năm gắn bó đoạn sông này rồi, chỉ nhìn con nước lên xuống là biết mà. Anh nói tiếp: Mỗi tháng người dân chỉ đánh bắt được 6 - 10 hôm. Con ốc đinh này cũng lạ lắm, nước lớn nó ẩn trong bùn cát, nước cạn thì mới nổi lên. Nước càng mặn ốc nổi lên càng nhiều, nước ngọt nó không chịu ngoi ra.

Nói xong, anh Trường rít điếu thuốc, còn vợ - chị Trần Thị Lan-  đã cho rổ, cào lên ghe. Vợ chồng anh nổ máy, bắt đầu chạy ra giữa sông, tiến về bãi nước lấp xấp. Đồ nghề của hai vợ chồng rất đơn giản, chỉ một cái ghe chừng 10 triệu đồng và một cái cào tự chế. Thuyền nổ máy, anh Trường cho cào xuống đáy sông và chèo lái ghe đi một lối thẳng tắp, đôi tay nắm chặt cào. Khoảng 50 m, một đống ốc đinh nằm gọn trong cào, anh đưa lên đổ vào ghe.

13-54-58_nh-1
Cào ốc đinh

Mỗi đêm vợ chồng anh Trường đánh bắt cũng được trăm kg, có hôm trúng mánh ghe chở không hết. Nghề bắt ốc không phân biệt lứa tuổi, già trẻ đều có hết. Hôm nào ốc nổi lên thì bắt được nhiều, xóm làng rôm rả tiếng cười nói, thương lái đánh xe chạy ầm ầm về thu mua rất nhộn nhịp.

Từng đợt cào, anh Trường đưa ốc lên ghe thì vợ anh cho vào rổ đãi. Công việc liên tục cho đến 5 giờ sáng, khi nước thủy triều lên, cửa sông An Hòa mênh mông biển nước thì vợ chồng anh giong ghe về bờ, kết thúc một đêm đánh bắt.

Vội ăn bữa sáng rồi đưa con đi học, anh chị tiếp tục công việc. Một thứ hỗn hợp nào rác, hàu, vỏ ốc… bắt đầu được phân loại. Ốc đinh bình quân 65 con một lạng thì để lại, còn ốc nhỏ, ốc chết cho vào bao khác. Mỗi bao đem bán 10.000 đồng để nung vôi. Sau khi phân loại ra thương lái thu mua 1kg được 4.000 đồng, như đêm qua hai vợ chồng anh Trường được 100 kg, thu về 400.000 đồng. Đây là số tiền không lớn nhưng giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người.

Anh Trường làm nghề đi biển, mấy hôm nay con trăng lên nên ở nhà phụ giúp vợ cào ốc. “Nghề này chủ yếu chị em phụ nữ làm là chính, một mình, một ghe là hành nghề được.

Cào ốc tùy vào con nước, khi nó xuống buổi sáng, khi xuống buổi trưa, khi buổi tối. Nước xuống thì bà con hành nghề, một khúc sông có đến hàng trăm người cào ốc. Trước ốc đinh được người dân cào về nung vôi, cho vịt, ngan… ăn, vì nhỏ xíu nên chẳng ai ăn”, anh Trường cho hay.

13-54-58_nh-5
Ốc xuất khẩu sang Hàn Quốc

13-54-58_nh-6
Kiểm tra ốc trước khi xuất bán

Đang đưa ốc từ ghe lên bờ phân loại, bà Phan Thị Linh ở thôn Đông Tuần, xã Tam Hải (huyện Núi Thành) cùng chồng ước tính đêm qua thu được 70kg. Theo bà Linh, vợ chồng bà trước đây đánh bắt cá trên sông nhưng mấy năm trở lại đây, khu công nghiệp xây dựng xả nước thải ra sông nên hải sản suy kiệt. Từ ngày thương lái thu mua ốc, vợ chồng ông bà chuyển nghề.

“Bắt ốc đinh cũng như đón lộc vậy, ngày nhiều được gần 1 triệu đồng, ngày vài trăm ngàn. Mặc dù người dân khai thác nhiều nhưng không liên tục nên ốc sinh sôi phát triển mạnh. Đặc biệt, khi nước lớn thì ốc đinh chui vào cát ở, chỉ lúc nước xuống ốc mới ngoi lên, do đó bà con khai thác miết mà không hết”, bà Linh cho biết.

Ngoài Quảng Nam, các tỉnh ven biển miền Trung khai thác ốc đinh với số lượng lớn như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định. Loài ốc này sinh sống ở cửa biển, chủ yếu ở bãi bồi. Thương lái thu mua và chế biến xuất sang Hàn Quốc, nhưng mới đây những nước châu Âu như Thụy Sỹ, Đức nhập loài ốc này. Ốc được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

Theo bà Linh, ở Tam Hải không có ruộng nên lấy sông thay ruộng nuôi sống nhiều gia đình. Ốc ở đây nhiều vô kể, nhất là ở bến bồi, ốc đinh nằm la liệt trên bãi đất. Ai siêng năng với nghề cũng có thể đắp đổi qua ngày. Cái nghề bắt ốc không mấy khó khăn nhưng đòi hỏi phải cần cù, siêng năng.

Hơn 10 năm làm nghề bắt ốc để nuôi sống gia đình, bà Linh tâm sự: “Nghề bắt ốc không khó mấy, chỉ vất vả là khi phải đi theo con nước. Có tháng con nước rút vào ban đêm, phải chong đèn đi tìm. Người bắt ốc mắt lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc. Hai chân thì tím tái vì phải dầm bùn đen. Cả người cứ gập xuống như con tôm càng... Nghề bắt ốc không lo vốn liếng. Ai siêng năng thì bắt được nhiều”.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc

Gần 20 năm thu mua ốc đinh, bà Huỳnh Thị Thanh Tùng (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) có hàng chục “mối” nhập ốc.

Ốc đưa đến cơ sở của bà sẽ giao cho chị em trong thôn bấm đuôi, sau đó chế biến bán lại cho công ty để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Với cơ sở nhỏ bé nhưng tạo công ăn việc làm cho cả ngàn người. Mỗi năm bà thu vài trăm triệu đồng.

13-54-58_nh-3
Bà Huỳnh Thị Thanh Tùng (bên phải) chủ cơ sở thu mua ốc đinh

Bà Tùng chia sẻ, mỗi ngày cơ sở của bà thu mua hàng chục tấn ốc của các gia đình ven biển, nhiều nhất là địa bàn huyện Núi Thành. Với lượng ốc đó, sau khi chế biến, bà Tùng chuyển giao lại cho “chủ” là một công ty ở Đà Nẵng, xuất hàng bán sang Hàn Quốc.

Tại cơ sở bà có 10 lao động thường trực. Họ xử lý các công đoạn chế biến ốc. Sau khi ốc được người dân ven biển bắt được đến bán, các lao động tại cơ sở đem phân chia cho những lao động nữ trên địa bàn thôn Đông Xuân đến nhận ốc về gia công, đơn giản là cắt phần đuôi của ốc. Sau khi cắt đuôi ốc, các phụ nữ là lao động nông nhàn ở thôn Đông Xuân đến giao hàng lại cơ sở và nhận tiền lao động 2.000 đ/kg ốc cắt đuôi.

13-54-58_nh-4
Công việc bấm đuôi ốc, mỗi ngày chị em vùng biển Núi Thành có thu nhập 100 - 200 nghìn đồng/ngày

Với phần việc cắt đuôi ốc trong thời gian nhàn rỗi, các phụ nữ ở thôn Đông Xuân có được nguồn thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nhiều phụ nữ tay nghề cao có thể cắt đuôi ốc được gần 100 kg/ngày. Sau khi ốc được cắt đuôi, các lao động thường trực tại cơ sở của bà Tùng sẽ nhận hàng, rửa sạch ốc, luộc và đóng gói. Với các phần việc lao động này, được bà Tùng trả lương khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 


Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam