Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 25/08/2015, 09:18 GMT+7

Ngày 25/8, tại TPHCM, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cố vấn BCĐ Trung Ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu: ông Đỗ Văn Nam - Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ NN-PTNT), ông Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung Ương, ông Phạm Văn Rạnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng hội NN – PTNT VN, ông Trần Đình Thiên - Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình Nông Thôn Mới Trung Ương và các địa phương, các chuyên gia hàng đầu từ các trung tâm nghiên cứu Kinh tế, và đặc biệt là sự tham dự của gần 100 đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và 36 cơ quan thống tấn, báo chí, truyền hình đến tham dự đưa tin về hội thảo.

Ông Hồ Xuân Hùng phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Hồ Xuân Hùng phát biểu khai mạc hội thảo

Với thực tế sản xuất nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới hiện nay, nếu không nhanh chóng xây dựng những mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo nên những sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh, thì không thể nào cải thiện căn bản chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt, nâng cao đời sống nông dân, đổi mới diện mạo nông thôn, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững khi tham gia TPP và AEC… Muốn làm được điều đó, không thể không có vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, doanh nghiệp còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị nâng cao giá trị nông sản. 

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP “về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”… Nhiều doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, đã hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới cả về vật chất cũng như đầu tư trực tiếp về nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ. Hội thảo tập trung trao đổi các vấn đề nhằm góp phần xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia xây dựng Nông thôn mới.

Hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung Ương, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, bộ mặt của nông thôn đã có nhiều đổi thay. Cả nước hiện có 884 xã và 5 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Bình quân thu nhập khu vực nông thôn đã tăng 1,84 lần so với năm 2010. Cả nước đã huy động được hơn 851.000 tỷ đồng cho xây dựng Nông thôn mới. Thực tế phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2015 đã khẳng định vai trò rất to lớn của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, với nhiều hình thức. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Nhiều doanh nghiệp giúp tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn với thu nhập ổn định (điển hình như tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai...). Doanh nghiệp liên kết với nông dân, các tổ chức của nông dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập... Xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn (như công ty VinaMilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang...).Ngoài ra, doanh nghiệp đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn khi tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bằng vật liệu làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho người nghèo và gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo bằng ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi...

Ông Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung Ương cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro hơn các ngành kinh tế khác vì dễ bị ảnh hưởng trực tiếp thời tiết, khí hậu, thiên tai bão lũ, dịch bệnh... Mức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa phù hợp và chưa hấp dẫn. Đặc biệt, bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được phát triển là rào cản hạn chế lớn nhất hiện nay  đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên nhận định, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đảm bảo sự an toàn, an tâm cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, ngay từ đầu, UBND TP đã xác định sự tham gia của doanh nghiệp có vai trò quan trọng để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, TPHCM tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã thu hút doanhnghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần làm thay đổi bộ mặt tại các vùng nông thôn của thành phố. Hơn nữa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất giống; đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó, đã tác động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển...

Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp với 66% dân số hiện sống ở nông thôn đang trong độ tuổi lao động; Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, có nền nông nghiệp lâu đời và nằm trong vùng phát triển năng động của kinh tế thế giới... Do đó, cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, mở rộng hỗ trợ về chính sách cũng như công nghệ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.

Ông Vương Ngọc Long, Trưởng Ban Phát triển nguyên liệu Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cung cấp thông tin về “Một ngành sữa phát triển bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới ” mà Vinamilk đã áp dụng trong nhiều năm qua. Ngoài việc phát triển các trang trại bò sữa của đơn vị, Vinamilk còn hợp tác với nông dân phát triển đàn bò sữa (có ký kết) để hỗ trợ tập huấn thường xuyên về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống chất lượng cao, hỗ trợ về trang thiết bị chuồng trại, dụng cụ, máy móc vắt sữa, bảo quản đúng kỹ thuật.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, ông Phạm Thanh Hùng cho biết, xây dựng nông thôn mới chỉ thắng lợi khi đi từ nhận thức của từng người và được sự đồng thuận, nhất trí của toàn xã hội. Đó là một quá trình nhằm tạo ra những giá trị mới, môi trường phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và sự tiến bộ của nông thôn trong thời kỳ mới. Mô hình của Công ty Ba Huân là liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, nhằm hướng đến sự khép kín, tiến bộ trong sản xuất, tạo nên giá trị kép cho từng sản phẩm nông nghiệp. Trong tất cả chiến lược kinh doanh của Ba Huân đều hướng tới hình thành chuỗi giá trị, phục vụ việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã. Từ đó hình thành kênh phân phối hàng nông sản, có địa chỉ mua và tiêu thụ cụ thể. Định hướng tổ chức sản xuất, tạo lập thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường nội địa, khu vực và thế giới.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chủ trì hội thảo cho rằng: rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp chưa vượt qua được là lĩnh vực đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, chính sách chưa giải quyết được mâu thuẫn và rủi ro khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hơn nữa, hệ thống hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chưa hoạt động hiệu quả. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn hoặc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng...

Từ hơn 30 ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, Ông Hồ Xuân Hùng đưa ra một số kiến nghị như sau: Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách thiết thực để hỗ trợ, ưu đãi về đầu tư công nghệ, tài chính, cơ chế... cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Cần tiếp tục rà soát lại chính sách thuế, phí, thủ tục hành chính để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo hộ trí tuệ, quảng bá sản phẩm nhằm tạo điều kiện nâng giá giá trị hàng nông sản Việt Nam trên thế giới.


Người viết : Tổng hội NNVN