Bàn chuyện đầu tư kinh tế trên vùng đất di tích

Bàn chuyện đầu tư kinh tế trên vùng đất di tích

Thứ hai, 17/06/2019, 14:50 GMT+7

Bàn chuyện đầu tư kinh tế trên vùng đất di tích

Bàn chuyện đầu tư kinh tế trên vùng đất di tích

Ngày 29.5, thông qua kết nối của ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, người dân ấp Tây Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, đã đón đoàn khách khá đặc biệt. Họ là những doanh nhân Hàn Quốc, do ông Lee Sang Mu, Nguyên Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc về nông nghiệp, thủy sản và chính sách nông thôn, chủ tịch hiệp hội phát triển nguồn lực nông nghiệp Hàn kiều dẫn đầu, đến Long An tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là điểm đến đầu tiên của họ lại là di tích lịch sử “Đồng 41”, nơi 49 năm trước đã xảy ra vụ hai tiểu đội lính Nam Triều Tiên tham gia thảm sát 41 người dân vô tội. Sau khi thắp hương trước bia tưởng niệm, thăm hỏi bà Du Thị Đông, nhân chứng duy nhất còn sống sau vụ thảm sát, đoàn doanh nhân Hàn Quốc cùng lãnh đạo tỉnh Long An đã bàn bạc với nhau về khả năng hợp tác nhằm góp phần biến vùng đất này trở nên giàu có hơn.

q1

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  và Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam tiếp đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc hôm 29/5 tại TP. HCM

Hướng đến tương lai

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, quy hoạch kinh tế Long An được chia thành ba phân vùng rõ rệt: phân vùng giáp TP HCM phát triển công nghiệp, phân vùng giáp các tỉnh Đồng Tháp Mười phát triển nông nghiệp (NN) công nghệ cao, phân vùng giữa cung cấp dịch vụ phụ trợ, kết nối hai phân vùng kinh tế trọng điểm với nhau. Hiện NN vẫn đang là trọng tâm kinh tế của tỉnh, đặc biệt chuyên trồng các loại quả như thanh long, chanh, chuối, thơm, xoài.

Tuy nhiên, giá trị kinh tế NN mang lại chưa cao do chưa có đầu ra với mức tiêu thụ lớn cũng như chưa có hệ sinh thái các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản. Bên cạnh NN, Long An đang hướng tới là một trong những vùng trọng điểm phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp điện cho cả nước. Bình quân giờ nắng ở Long An từ 2.500 – 2.800 giờ/năm, cùng với thời gian bức xạ dài, là lợi thế đã giúp tỉnh thu hút đầu tư 450MW năng lượng tái tạo tính đến nay và hướng tới quy mô 1.050MW. Trên nền tảng đó, lãnh đạo tỉnh hoan nghênh các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển các dự án NN công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

Đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Lee Sang Mu cho biết ông rất bất ngờ với diện mạo của Long An sau hơn 7 năm quay trở lại. Ông đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào những đổi thay đó. Ông khẳng định với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên lĩnh vực NN, ông thấy Long An còn có nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo ông, Long An cần có một chợ đầu mối, sẽ là nơi tập hợp hàng hóa, đồng thời là trung tâm tiếp thị nông sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất xây dựng một chợ đầu mối nông sản quy mô 200 - 300 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Long An. Nếu được triển khai đây sẽ là dự án chợ đầu mối thứ hai phía Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, sau Hà Nội. Chợ đầu mối nông sản sẽ nhận sản phẩm thô đầu vào và đồng thời sẽ sản xuất, chế biến thành phẩm đạt chất lượng quốc tế xuất sang thị trường khó tính như Hàn.

Tham gia cùng đoàn có ông Beom-Heon Kim, Chủ tịch HĐQT Công ty Halla E&C, một doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc về năng lượng tái tạo, đang đầu tư một dự án năng lượng tái tạo công suất 70 MW, chuẩn bị phát điện tại Vũng Tàu. Ông bày tỏ mong muốn được đầu tư một dự án năng lượng mặt trời tại Long An. Trước mắt, để chia sẻ với những khó khăn của người dân xung quanh Di tích “Đồng 41”, cũng là để thể hiện thành ý, Công ty Halla E&C cho biết sẽ lắp pin mặt trời trên mái nhà cho người dân cả ấp Tây Nam và cố gắng vận động các doanh nghiệp khác tham gia tài trợ một vài công trình dân sinh tại địa phương này.

Để tìm hiểu kỹ hơn về NN Long An, đoàn đã có buổi khảo sát thực tế trang trại trồng chuối 100 ha của Công ty TNHH Huy Long An tại Đức Huệ. Hiện 40% sản phẩm chuối tươi Huy Long An được xuất khẩu sang thị trường Nhật, gần 20% sang thị trường Hàn Quốc, số còn lại xuất khẩu đi Malaysia và Trung Quốc.

Trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất và nếm thử chuối tươi, các nhà đầu tư Hàn Quốc càng mong muốn thúc đẩy việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, sản lượng chuối của Huy Long An hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An cho biết công ty có thể xúc tiến hợp tác với nông dân để tăng quy mô trồng chuối, từ đó tăng sản lượng, hoàn toàn có khả năng đủ cung cấp cho các nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Những cam kết bước đầu

q2

 

Ông Lee Sang Mu, Nguyên Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc về nông nghiệp, thủy sản và chính sách nông thôn thăm hỏi bà Du Thị Đông - nhân chứng sống duy nhất của vụ thảm sát ngày 19.06.1967 tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

 

Chiều cùng ngày 29.05, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp. Sau khi nghe các đề xuất của đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc về dự án chợ đầu mối và năng lượng tái tạo tại tỉnh Long An, nguyên Chủ tịch nước cho rằng đó là những ý tưởng tốt, phù hợp với nhu cầu địa phương, do đó chắc chắn sẽ được tạo điều kiện để triển khai nhanh.

Phía Hàn Quốc cũng mong muốn được hỗ trợ triển khai dự án khai thác nước khoáng tại khu vực Đồng Nai, giáp với khu Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo nghiên cứu sơ bộ của doanh nghiệp Hàn Quốc, trữ lượng nước có thể khai thác ở đây lên đến 10.000m3/ngày, với chất lượng nước thậm chí còn vượt trội so với Volvic của Pháp. Ước tính tổng đầu tư cho dự án sẽ vào khoảng 100 – 150 triệu đô la Mỹ. Nguyên Chủ tịch nước động viên nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục triển khai dự án và nên liên hệ trực tiếp với địa phương để đẩy mạnh quá trình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên sớm báo cáo các hoạt động với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán tại TPHCM để được hỗ trợ.

Chiều 30.05, trước khi kết thúc chuyến đi, đoàn doanh nhân Hàn Quốc đã được Tỉnh ủy Long An gặp gỡ, trao đổi cụ thể hơn về các dự án. Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An, hoan nghênh các dự án mà đoàn đã đề xuất. Theo ông, Long An nằm ở cửa ngõ TPHCM, nối thị trường lớn nhất nước này với các tỉnh ĐBSCL - vùng nông sản lớn nhất của cả nước, nên việc xây dựng một chợ đầu mối quy mô lớn là rất thiết thực.

Vì thế, tỉnh đã dự kiến quy hoạch một chợ đầu mối ở Quốc lộ 1A hoặc gần sông Vàm Cỏ Đông hoặc Vàm Cỏ Tây. Tuy nhiên, nếu đoàn Hàn Quốc có nghiên cứu nào khả thi hơn thì lãnh đạo tỉnh Long An cũng sẽ nghiên cứu, thay đổi cho phù hợp. Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn giúp một địa điểm thuận lợi, nhằm đề xuất với lãnh đạo tỉnh Long An trong thời gian sớm nhất.

Về năng lượng tái tạo, Bí thư Tỉnh ủy Long An khuyến khích Halla E&C hợp tác với Bamboo Capital Group để triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Long An, bởi Bamboo Capital là doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực này, hiện đang đầu tư nhà máy năng lượng mặt trời quy mô 140MW tại Long An và cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm một số dự án khác. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ nếu nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn thực hiện dự án 100% bằng vốn Hàn Quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Long An và đoàn Hàn Quốc cùng khẳng định hai bên sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Khi về nước, ông Lee Sang Mu sẽ vận động 100 doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội phát triển nguồn lực Nông nghiệp Hàn Kiều và lãnh đạo cấp cao Ủy ban đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc về phát triển Nông nghiệp đến khảo sát môi trường đầu tư tỉnh Long An.


Người viết : Tổng hợp