Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 09/09/2016, 09:21 GMT+7

Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngày 08/9/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới"

Chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cùng tham dự còn có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và đông đảo các cơ quan báo chí.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

Đoàn chủ tọa Diễn đàn

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những  giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Điễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình rất lớn với quy mô cả nước và là chương trình mục tiêu về kinh tế, xã hội, văn hóa rất toàn diện trên cơ sở lượng hóa thành 19 tiêu chí. Bằng sự cố gắng vượt bậc của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta đã tạo ra một cao trào sôi động trong toàn dân, đây là kết quả đạt được rất rõ nét. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng ta đã huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các mô hình sản xuất. Đồng chí cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thành công bước đầu, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng còn khó khăn, nền nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đó là khó khăn trong sản xuất lớn, trong áp dụng khoa học công nghệ; khó khăn về biến đối khí hậu. Đồng chí khẳng định, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có kết quả ở các mức độ khác nhau, nhưng những quy mô này chưa trở thành phổ biến trên toàn quốc. Đồng chí cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp Việt Nam còn tốt. Đó là lâm nghiệp, tiềm năng biển, đất liền và nguồn nhân lực. Đồng chí mong muốn chúng ta sẽ có thêm nhiều đề xuất, kiến nghị, kiến kế để hoàn thiện thể chế, chính sách, biện phát để phát triển thêm nhiều doanh nghiệp về nông nghiệp, phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp đất nước.

Đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu ý kiến

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn. Lượng hàng nhập khẩu ngày càng cao dẫn đến triệt tiêu hàng trong nước. Tuy có vai trò quan trọng, nhưng sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu vắng doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực này. Do vậy, cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó có tháo gỡ về thể chế, chính sách để doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum phát biểu tham luận

Còn đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng, Kon Tum có tiềm năng lâm nghiệp rất lớn, là một lợi thế không phải tỉnh nào cũng có. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cần phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn và phát triển nông nghiệp hiện đại quy mô lớn. Như vậy mới khắc phục được khó khăn của nền kinh tế nước ta trong hội nhập quốc tế. Giới thiệu về các thế mạnh nông nghiệp của tỉnh Kon Tum, đồng chí cho rằng, quy mô của sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhỏ, dẫn đến khó khăn trong tham gia chuỗi sản phẩm. Đồng chí cũng cho rằng, về chính sách tín dụng cần quan tâm hơn về hỗ trợ lãi suất tùy điều kiện của địa phương dựa theo các nhóm sản phẩm trọng điểm của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tham luận

Phát biểu tham luận, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, xu thế của liên kết vùng, liên kết khu vực rất cần thiết, chiếm vị trí quan trọng và mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển nông nghiệp. Đồng chí cho rằng, một vấn đề của ngành nông nghiệp là xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó chúng ta cần có giải pháp, hướng đi mới. Vấn đề được mùa, mất giá và ùn tắc tại cửa khẩu gây ra thiệt hại lớn cho người nông dân. Chúng ta cần xây dựng một cơ chế liên kết giữa các địa phương biên giới, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Giới thiệu về công tác phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Cao Bằng, đồng chí cho biết, tỉnh đã bước đầu tận dụng lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để xuất khẩu và xây dựng trung tâm dịch vụ logistic để tạo ra vùng sản xuất lớn.

Đồng chí Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tham luận

Trong tham luận của mình, đồng chí Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong các doanh nghiệp tham gia và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thì sự phân chia giá trị không bền vững, Cần hài hòa trong phân chia lợi ích thì mới phát triển bền vững được. Cần hỗ trợ doanh nghiệp sao cho có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn và có quy mô đủ lớn, đủ hiệu quả. Nếu chúng ta cần xây dựng các chuỗi giá trị theo cụm liên kết, những sản phẩm đổi mới sáng tạo phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tham gia thảo luận

Các tham luận và ý kiến tại Diễn đàn tập trung bàn về 3 nhóm vấn đề chính sau:

Nhóm vấn đề thứ nhất: Thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò của Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

- Hệ thống hoá những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển Doanh nghiệp trong đó có Doanh nghiệp nông nghiệp; đánh giá vai trò của Doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp. Những kinh nghiệm phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp và phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH tham gia ý kiên

Nhóm vấn đề thứ hai: Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp

- Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu của mỗi bộ, ban, ngành Trung ương , địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và các quy định của pháp luật, chính sách về phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp.

- Những biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các Doanh nghiệp nông nghiệp chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, phát huy lợi thế vốn có của Doanh nghiệp nông nghiệp để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhóm vấn đề thứ ba: Thực trạng, giải pháp thu hút Doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

- Đánh giá đúng thực trạng khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức để tìm ra các giải pháp phù hợp, tìm hướng giải quyết và đưa ra các cơ hội để thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp ở khu vực Nông nghiệp nông thôn.

- Vai trò của Doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Những kết quả bước đầu của Doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

- Mô hình liên kết trong sản xuất giữa hộ nông dân, Hợp tác xã và doanh nghiệp.

- Giải pháp thu hút Doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Quang cảnh Diễn đàn

Phát biểu kết luận Diễn đàn, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong thị trường nông sản của thế giới. Lấy ví dụ Hà Lan, đồng chí cho rằng năng suất cao trong nông nghiệp là quan trọng, cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp của chúng ta. Trong quá trình 30 năm đổi mới nông nghiệp đạt được rất nhiều thành tựu, từ chỗ đói ăn phải nhập khẩu, nay chúng ta đã có ăn và còn khá giả. Nếu có quan hệ sản xuất mới thì sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Theo đồng chí, hiện nay chúng ta đang hội nhập thì cần phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy mục tiêu đặt ra khác với trước đây, vì cần sản xuất lớn nên không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã, kinh tế tập thể và doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công, do đó cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải đảm bảo chủ trương, chính sách để đảm bảo tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Về kinh tế tập thể, chúng ta đã có luật hợp tác xã mới là một bước tiến hết sức quan trọng. Muốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp thì cần làm ngay hai việc: Tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí khẳng định: Nếu có cơ chế hợp lý thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nông nghiệp ngay, sẽ có cơ khí hóa. Cần bỏ ngay tư duy xin cho vì không bền vững, không hiệu quả.

Các cơ chế hỗ trợ có thể giảm thuế cho DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; Cấp bù lãi suất vay ngân hàng (ngân sách cấp bù cho các NHTM cho vay). Làm cả 2 cấp độ TƯ và địa phương. Hỗ trợ lãi suất tuy nhỏ nhưng sẽ thu hút nhiều DN vào tham gia lĩnh vực này.

Theo đồng chí, các doanh nghiệp đôi khi vẫn ỷ lại, trong kinh tế thị trường cần tránh điều này, doanh nghiệp cần cạnh tranh sòng phẳng, Nhà nước sẽ có các cơ chế hỗ trợ, như: Giảm thuế cho DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; cấp bù lãi suất vay ngân hàng (ngân sách cấp bù cho các NHTM cho vay), làm cả 2 cấp độ Trung ương và địa phương, hỗ trợ lãi suất rất nhỏ nhưng sẽ thu hút nhiều DN vào tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này.

Lấy ví dụ về Ixrael, tuy điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn phát triển mạnh về nông nghiệp, đồng chí cho rằng tiềm năng của nước ta tốt, nếu có cách làm hợp lý thì sẽ phát triển không kém gì nước bạn (PV- Ixrael).

Đất nước ta tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất to lớn, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có đầy đủ để nông nghiệp phát triển, nhưng khâu trung gian, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết thành các cơ chế, chính sách vào cuộc sống để phát huy tác dụng còn yếu, muốn nông nghiệp phát triển thì phải tập trung giải quyết (PV- khâu trung gian này) trong thời gian tới

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cảm ơn các đại biểu đã tâm huyết tham dự Diễn đàn và đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, có tính thực tiễn cao, góp phần đưa các doanh nghiệp nông nghiệp đi lên và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đồng chí nhấn mạnh, những nội dung của Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn: Thứ nhất, là tích tụ ruộng đất; Thứ hai, đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp./.

BBT


Người viết : admin