Một lời của Ông Sáu Khải làm đổi thay Miền tây Xứ Nghệ

Một lời của Ông Sáu Khải làm đổi thay Miền tây Xứ Nghệ

Thứ hai, 19/03/2018, 21:12 GMT+7

Một lời của Ông Sáu Khải làm đổi thay Miền tây Xứ Nghệ

Một lời của Ông Sáu Khải làm đổi thay Miền tây Xứ Nghệ

Trong suốt thời gian trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Có những vấn đề ông trăn trở cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn!

Đó là những lời tâm sự của ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người vẫn được anh em, đồng chí và người dân gọi bằng cái tên thân mật: Anh Sáu Khải.

Ông Hùng bảo, thời kỳ làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải. Và chính những quyết sách cụ thể, mạnh mẽ của Thủ tướng đã giúp nhiều địa phương ở xứ Nghệ thay da đổi thịt.

111

Thủ tướng Phan Văn Khải ghi sổ lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên trong lần về thăm và làm việc tại Nghệ An năm 1998 (ông Hồ Xuân Hùng đứng thứ hai từ trái sang). Ảnh: Sỹ Minh

“Thủ tướng rất quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”, ông Hùng khẳng định.

“Tôi nhớ, năm 1997, khi lên thăm vùng miền Tây Nghệ An, thấy khoảng cách thu nhập, cuộc sống của đồng bào nơi đây còn cách khá xa so với miền xuôi, Thủ tướng đã rất trăn trở” - ông Hùng nói.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã có yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An phải tìm giải pháp sao cho cuộc sống của đồng bào đỡ khó khăn. Ông Hùng và lãnh đạo tỉnh đã trình bày dự án đưa mía lên đồi trồng (thay vì trồng ở vùng bãi) để khai thác tốt tiềm năng đất đai. Thủ tướng rất ủng hộ, tạo mọi cơ chế để dự án sớm thành hiện thực, chỉ với một yêu cầu duy nhất: Phải đảm bảo người nông dân, đồng bào không mất việc.

“Thời điểm đó, Nghệ An rất nghèo, không có vốn để góp xây dựng nhà máy, Thủ tướng đã ủng hộ để chúng tôi được vay 100 triệu USD từ vốn Chính phủ để xây dựng nhà máy đường”, ông Hùng nói.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, năm 1999, Nhà máy đường Tale &Lale đã được xây dựng trên vùng miền Tây xứ Nghệ, tạo việc làm ổn định cho 21.000 lao động là nông dân thông qua việc hợp đồng trồng mía với nhà máy. Những khoảnh đồi trọc, trơ cằn sỏi đá đã được phủ xanh bởi những rừng mía bạt ngàn.

1626D87B-8CB2-4F51-B278-256528394E1C

Nhà máy mía đường Nghệ An Tate&Lyle. Ảnh tư liệu

Tương tự như vậy, chủ trương chuyển Nhà máy đường Sông Con từ miền xuôi lên vùng núi của tỉnh Nghệ An cũng được Thủ tướng ủng hộ.

“Thủ tướng chỉ nói với tôi: Cậu có tính toán cho chắc chắn, cái gì có lợi cho đồng bào thì Chính phủ sẽ ủng hộ”, ông Hùng nhớ lại.

Cho đến giờ, vùng nguyên liệu mía của nhà máy đã trải rộng ra nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An như Tây Kỳ, Anh Sơn,... Hạ tầng vùng miền Tây Nghệ An nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ cũng có rất nhiều đổi thay.

Theo ông Hùng, Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất mộc mạc, chân tình, trong những lần gặp gỡ, trò chuyện, ông luôn hỏi thăm chuyện gia đình của ông Hùng. Thủ tướng cũng là người quan tâm đến cả những điều chi tiết trong cuộc sống.

333

Theo ông Hồ Xuân Hùng, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất mộc mạc, chân tình. Ảnh: I.T

Tôi nhớ có lần ông hỏi tôi về hoạt động của một trường dân tộc nội trú trên địa bàn, trường có bao nhiêu học sinh, có bao nhiêu giáo viên là người dân tộc thiểu số miền núi. Tôi thực sự ấn tượng vì một người trăm công nghìn việc như ông vẫn nhớ đến những điều cụ thể như vậy”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong những chuyến công tác về miền Tây xứ Nghệ, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn trăn trở làm thế nào để người dân vẫn có nhà ở kiên cố, có cuộc sống ấm no mà không phải phá rừng. Cho đến giờ, đây vẫn là một câu hỏi lớn.

 


Người viết : Lê Ngân