Nguyên Thứ trưởng bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng: Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho Hoàng Anh Gia Lai
Thứ sáu, 18/03/2022, 12:21 GMT+7
Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích, việc thua lỗ của HAGL trong nhiều năm liên tục do nhiều yếu tố và có những yếu tố ngoài khả năng của tập đoàn.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu 2 năm gần đây không có đại dịch COVID-19 thì HAGL chắc chắn có lãi, sẽ gặt hái thành công trong mảng nông nghiệp. Do đó, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn thay vì xem xét đưa cổ phiếu HAG vào diện huỷ niêm yết.
Theo ông Hùng, trước hết chúng ta cần phải khẳng định không chỉ trong mảng nông nghiệp, mà nói chung ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội, bất cứ ai đi tiên phong cũng đều gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu hy sinh nhiều quyền lợi và tài sản của bản thân.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân bước chân vào mảng nông nghiệp mà gặt hái được thành công quả thực rất ít. Kể cả khi cơ chế đã khá mở thì chúng ta mới thấy các doanh nghiệp bất động sản, thương mại – dịch vụ nổi lên thôi, còn nông nghiệp thì chưa thực sự chưa có nhiều. Nói như vậy để một lần nữa nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp ở Việt Nam phải chịu rủi ro rất lớn, bởi lẽ ngành nông nghiệp ở nước ta tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Thứ nhất, thị trường lớn nhưng quy mô sản xuất nhỏ. Thứ hai, ít có doanh nghiệp đầu tàu lớn đầu tư vào nông nghiệp. Chúng ta cần đặt câu hỏi vì sao tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp vẫn ở mức thấp đến như vậy, chỉ ở mức 6% vốn đầu tư toàn xã hội, đặt ra một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ ba là nhận thức về chuyển đổi tư duy của xã hội về việc làm nông nghiệp. Thứ tư, quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao vẫn chủ yếu vào các lĩnh vực như công thương, còn nông nghiệp chưa được chú trọng.
Hơn nữa, thị trường Việt Nam vẫn tiềm ẩn sự thiếu minh bạch, làm ăn tử tế chưa chắc đã có thể cạnh tranh. Các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính còn khó khăn, đơn cử như việc xin giấy phép đầu tư, đưa một giống mới vào,….cũng rất nhiêu khê. Như vậy, chúng ta phải ghi nhận tinh thần dám nghĩ, dám làm của doanh nghiệp bước chân vào mảng nông nghiệp trong vòng 15 năm trở lại đây.
“Tôi nghĩ rằng, chỉ những doanh nghiệp thật sự tâm huyết, quyết tâm gắn bó với ngành nông nghiệp như HAGL thì mới có thể làm nên chuyện lớn để vượt qua những rủi ro như vậy", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, khi còn công tác, ông đã gặp ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn HAGL) rất nhiều lần. “Trong những lần trò chuyện, tôi nhận thấy anh Đức luôn trăn trở về tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo tôi đây là tư duy đáng quý của anh Đức. Dù hiện tại chúng tôi ít có cơ hội gặp gỡ thường xuyên, nhưng khi có dịp, tôi vẫn thấy anh Đức nhiều băn khoăn về lĩnh vực nông nghiệp nước nhà.
"Tại sao Tây Nguyên vốn là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu nhưng nông nghiệp vẫn kém phát triển?”, “Tại sao thị trường nông nghiệp thế giới và Việt Nam chưa tìm được sự đồng điệu chung để phát triển”, “Tại sao cách thức sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn lạc hậu, manh mún,..”…. Đó là những câu hỏi mà anh Đức luôn đặt ra trong những lần chúng tôi gặp gỡ, và tôi cảm nhận Chủ tịch HAGL là con người thực sự có tâm huyết với ngành”, ông Hùng nhớ lại.
Ông Hùng khẳng định, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong những cái tên tiên phong làm nông nghiệp ở quy mô lớn. Thậm chí, HAGL đã vươn xa, đầu tư làm ăn với các nước bạn, đơn cử tại Lào và Campuchia.
Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích, việc thua lỗ của HAGL trong nhiều năm liên tục do nhiều yếu tố và có những yếu tố ngoài khả năng của tập đoàn. Nói đơn cử như vấn đề vốn, chúng ta có cam kết, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp làm nông nghiệp, tuy nhiên cần xem lại khả năng tiếp cận những gói hỗ trợ này đã nhanh và linh hoạt hay chưa?
Khi một doanh nghiệp lớn gặp những khó khăn khách quan thì Nhà nước cần đứng bên cạnh để hỗ trợ họ, trở thành chỗ dựa để họ yên tâm và mạnh dạn tiếp tục con đường khai phá những lĩnh vực mới.
“Đặt giả thiết 2 năm gần đây không có đại dịch COVID-19, tôi tin rằng HAGL sẽ gặt hái thành công trong mảng nông nghiệp. Còn rất nhiều vấn đề khách quan khác cần tới công nghệ, vốn,…mà HAGL cần được Chính phủ xem xét và tháo gỡ. Chính vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan cùng ngồi lại với doanh nghiệp, tìm ra nguyên nhân, giải pháp để cùng doanh nghiệp khắc phục. Nếu không xem xét kỹ rất có thể gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và hàng nghìn lao động khác”, ông Hùng kiến nghị.
Chỉ với một mệnh lệnh hành chính đơn thuần, nếu cơ quan quản lý “bấm nút” huỷ niêm yết cổ phiếu HAG, thì đằng sau nó sẽ là số phận của hàng nghìn lao động và quyền lợi của đông đảo cổ đông đang đầu tư vào tập đoàn này.
Các tin khác :
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp (10/12/2024)
- Chuẩn bị Đại hội Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ III (2024 - 2029) (04/06/2024)
- Diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm hội viên mới (18/03/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm 2 hội viên tập thể (12/03/2024)
- Lễ trồng cây tại Farm Lạc Thủy, Hòa Bình (02/03/2024)
- Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội (09/01/2024)
- THƯ CẢM ƠN (30/10/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập (25/10/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm 2 hội viên mới (20/09/2023)