Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Tổng kết nhiệm vụ năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017

Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Tổng kết nhiệm vụ năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017

Thứ năm, 09/02/2017, 09:56 GMT+7

Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Tổng kết nhiệm vụ năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017

Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Tổng kết nhiệm vụ năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017

Năm 2016 là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp, là năm Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho nhân dân cả nước, trong đó có cán bộ, hội viên Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Sau hơn 3 năm hoạt động, với những thành tích đạt được trong năm 2016 đã tạo được không khí vui tươi phấn khởi và niềm tin trong cán bộ, hội viên của Tổng hội khi bước sang năm 2017. 

Ngày 17/1/2017 Tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Họp Ban thường vụ  Tổng kết nhiệm vụ năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017. Một số nội dung chính trong cuộc hợp như sau:

 

PHẦN THỨ I. Đánh giá chung tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016

1. Ưu điểm

Trong điều kiện và hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự quản lý điều hành của Thường trực Tổng hội, tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ, Tổng hội đã triển khai và thực hiện có kết quả bước đầu một số lĩnh vực công tác mới có khối lượng công việc lớn, có tính sáng tạo và chuyên nghiệp cao, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao:  

1. Hoàn thành về cơ bản nội dung, đảm bảo chất lượng, tiến độ Đề tài nghiên cứu khoa học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng giao phó.

2. Chủ động khẩn trương để Tạp chí Nông thôn Việt và Tạp chí điện tử Nông thôn Việt đi vào hoạt động, làm công cụ tuyên truyền, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới các nông dân và các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh những tâm tư, tình cảm, những bức xúc của nông dân, của doanh nghiệp tới công luận, các cơ quan nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan. Qua đó Tổng hội tiếp tục phát huy được vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước, các cơ quan quản lý với nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, góp phần khơi thông những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải và tạo được vị thế của mình.  

3. Tích cực tham gia vào các hoạt động về tư vấn phản biện xã hội và phổ biến kiến thức.

4. Mối quan hệ và hợp tác của Tổng hội với các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục được mở rộng.

 Ngoài việc duy trì tốt quan hệ truyền thống của Tổng hội với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc; Hiệp hội Phát triển Nông nghiệp Đông Á Hàn Quốc; Hiệp hội Nông nghiệp Hàn Quốc, Tổng hội hợp tác với Quỹ phát triển nông thôn và đô thị Đài Loan, Hội Nông dân Trung Quốc - Asean, đặc biệt sau 2 năm vận động ngày 28-29/11/2016 Hiệp hội Nông nghiệp Đông Á - Asean đã được thành lập. Việt Nam trở thành một trong 4 thành viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội này. Tổng hội đã hợp tác với 2 đối tác ở trong nước là Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam  ký kết biên bản thỏa thuận và hợp tác nhằm tăng cường phối hợp, hợp tác trong chỉ đạo, tổ chức và thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

2. Hạn chế, tồn tại

- Một số nhiệm vụ được Tổng hội đề ra cho năm 2016 và 6 tháng cuối năm chưa triển khai được do không có đủ nguồn lực để thực hiện.

- Mối quan hệ giữa Thường trực Tổng hội, các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với các hội viên, nhất là với các hội viên tổ chức chưa có sự gắn bó mật thiết, nên chưa phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của Tổng hội và khắc phục được những khó khăn về tài chính lâu nay. Vì vậy, hoạt động của Tổng hội cần phải tiếp tục đổi mới cả 2 mặt nội dung và phương pháp hoạt động.

- Hoạt động của các Ban chuyên môn còn yếu, không thường xuyên, nhiều ban hầu như không có hoạt động gì đáng kể. Tổng hội và các đơn vị cần chủ động tìm kiếm các công việc để thực hiện. Hai Trung tâm của Tổng hội đang rất lúng túng và bị động về kế hoạch hoạt động. Thông tin từ các hội viên về Tổng hội rất ít, không thường xuyên. Các Trung tâm và Công ty Cổ phần Truyền thông Nông thôn Việt chưa có đóng góp gì về tài chính cho Tổng hội như mục đích ban đầu đề ra và theo quy chế thu, chi nội bộ của Tổng hội. Một số hội viên không đóng hội phí cho Tổng hội do Tổng hội chưa giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tổng hội còn chưa thực sự đi sâu sát, lắng nghe, phân tích ý kiến và đề xuất các giải pháp đối với những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân.

- Quan hệ của Tổng hội với các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục được mở rộng nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho Tổng hội. Một số dự án Hợp tác với KRC đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.

- Việc thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động được quy định trong điều lệ và Quy chế làm việc của Tổng hội còn có bất cập, cần được rút kinh nghiệm và cần được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện công tác hiện hành của Tổng hội.

- Trang Website của Tổng hội nội dung còn nghèo nàn, chậm cập nhật những thông tin thường xuyên của Tổng hội.

PHẦN THỨ II. Triển khai mhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2017

1. Tiếp tục triển khai thực hiện các công việc còn lại của Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Nông thôn mới” đảm bảo về cả nội dung và tiến độ, với các trọng tâm:

a. Hoàn thành việc công bố kết quả đề tài, sách chuyên khảo và 2 bài báo có nội dung và chủ đề như sau: “Nông thôn mới Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển”; “Chính sách phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở nước ta từ sau đổi mới (1986) tới nay”; “Hoàn thiện mô hình Nông thôn mới ở nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

b. Tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở của đề tài và quyết toán của đề tài.

2. Tiếp tục theo dõi và đề xuất với Lãnh đạo Bộ xin kinh phí tập huấn về công tác khuyến nông phục vụ xây dựng nông thôn mới với 26 lớp tại 13 tỉnh.

3. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và truyền thông kịp thời đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và của ngành tới các doanh nghiệp trong ngành và nông dân. Kịp thời phát hiện các tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc để tôn vinh nhằm nhân rộng những mô hình, tổ chức, cá nhân điển hình trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các chủ trang trại xây dựng thương hiệu nông sản sạch và an toàn.

4. Phối hợp với các cơ quan có liên quan của Hàn Quốc triển khai 3 dự án đã được các bên thỏa thuận nhất trí là “Xây dựng Nông thôn mới theo mô hình và cách làm của Hàn Quốc”; dự án “Tăng cường năng lực cho Tổng hội”; chuẩn bị ký kết và hợp tác với Hội phát triển Nông nghiệp Đông Á - ASEAN của Hàn Quốc.

5. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động, xây dựng Tổng hội vững mạnh với trọng tâm:

- Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong ngành và liên ngành quan tâm đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tự nguyện tham gia vào Tổng hội được ít nhất 10 hội viên.

- Thực hiện đúng các nguyên tắc hoạt động, làm việc được quy định trong Điều lệ, Quy chế làm việc của Tổng hội, để tăng cường, củng cố khối đoàn kết và đồng thuận trong Tổng hội.

- Triển khai được một số nội dung trong Nghị quyết Liên tịch, thỏa thuận hợp tác và chương trình phối hợp mà Tổng hội đã ký với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Chuẩn bị nội dung và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất được 1 lần/năm.

- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổng hội và các hội viên thành viên theo hướng chuyên ngành, chuyên sâu gắn với phối hợp hợp tác, tạo được sức mạnh tổng hợp thông qua việc tổ chức được ít nhất một hội nghị giao lưu giữa Tổng hội với các hội viên là doanh nghiệp để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, từ đó có các kiến nghị lên các cơ quan có liên quan xử lý, giải quyết.

6. Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo nghề, tư vấn phản biện xã hội những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

7. Tiếp tục mở rộng, tham gia và đẩy mạnh hoạt động quan hệ hợp tác của Tổng hội với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm mang lại các lợi ích thiết thực cho Tổng hội và cho đất nước. Trước tiên là với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc, với Hội Nông dân các nước: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) với Hội Nông dân Trung Quốc - Asean và Hiệp Hội Nông nghiệp Đông Á - Asean gồm 23 quốc gia khu vực.

PHẦN THỨ III. Kiến nghị

1. Nhà nước sớm có luật về hội các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả.

2. Đề nghị Đảng, nhà nước có những chính sách thiết thực về đất đai, thuế, tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

3. Đề nghị các cấp có thẩm quyền ủng hộ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thành lập quỹ “Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vùng biên giới, hải đảo”.

4. Đề nghị các đồng chí trong Ban Thường vụ chủ động phát huy những khả năng của mình, tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động chung của Tổng hội để Tổng hội tiếp tục phát huy sức mạnh của mình trong năm 2017. 

PHẦN THỨ IV: Kết luận

Kết luận cuộc họp, Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đánh giá cao kết quả hoạt động của Tổng hội trong năm 2016, đồng thời đề nghị các thành viên, hội viên của Tổng hội phát huy vai trò của cá nhân, tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017.

 


Người viết : Lê Ngân