Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đại diện của Winrock Internatinonal
Thứ năm, 04/10/2018, 11:02 GMT+7
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam nhấn mạnh: Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Thời tiết bất thường khắp cả nước
Nhìn lại năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ thấy tính bất thường của thời tiết ngày càng gay gắt, xảy ra trên khắp cả nước. Cụ thể với mùa khô 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn do lượng mưa thiếu hụt từ 30 - 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn 1 tháng ở các vùng cửa sông miền Trung và đặc biệt ở ĐBSCL, nhiều nơi mặn đã vào sâu 80 - 100 km hoặc hơn, bà con nông dân điêu đứng vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất nghiêm trọng.
Ở miền Trung mưa lũ đến muộn nhưng lại dồn dập, lũ chồng lũ kéo dài nhiều ngày vào những tháng cuối năm 2016, gây thiệt hại lớn về tài sản và người. Miền Bắc đợt rét đầu tiên đến sớm so với bình thường, tuy nhiên người dân lại ít cảm nhận được không khí lạnh của mùa đông, do xen kẽ các đợt lạnh lại có những ngày nhiệt độ khá cao gây tiết trời oi nóng.
Trong mùa khô 2016 – 2017, Nam Bộ cũng như TPHCM đã xuất hiện một số trận mưa trái mùa với lượng lớn, số ngày xuất hiện mưa và tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô cũng vượt trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa trái mùa gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông xuân cũng như hoa màu cây trái. Theo chuyên gia dự báo khí tượng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do BĐKH đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên. Chuyên gia dự báo khí tượng cho biết, hiện nay thời tiết đang ở giai đoạn trung tính và có xu hướng nhích sang El Nino (thường gắn với hiện tượng khô hạn) nên mùa mưa ở Nam Bộ đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm.
Tác động từ biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam
Trong một công bố của Tổ chức DARA International về tính dễ bị tổn thương với BĐKH, Việt Nam được xếp ở mức báo động đỏ, là nước đứng đầu danh sách về mức thiệt hại thủy sản do BĐKH.
Giai đoạn 2012 - 2015, diện tích đất nuôi trồng thủy sản rất dễ bị tổn thương là 104.930 ha; cũng trong giai đoạn này diện tích đất nuôi trồng thủy sản dễ bị tổn thương là 437.830 ha. Đến năm 2020, diện tích đất nuôi trồng thủy sản rất dễ bị tổn thương là 96.621 ha; cũng trong giai đoạn này, diện tích đất nuôi trồng thủy sản dễ bị tổn thương là 416.296 ha.
Tác động tiêu cực của BĐKH cùng với môi trường nuôi có dấu hiệu suy giảm (nhất là chất lượng nguồn nước cấp cho ao nuôi) và gia tăng dịch bệnh đã làm giảm hiệu quả sản xuất của các hộ nuôi tôm.
Hiện tượng tôm, nghêu chết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra rõ rệt với mức độ thiệt hại ngày một tăng dần. Trước đây, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích thả nuôi nghêu trên 1.600 ha, diện tích nghêu bị chết là hơn 1.500 ha, tỷ lệ thiệt hại dao động từ 75% đến 90%, ước sản lượng nghêu bị chết do người dân thống kê là 12.889 tấn, cỡ nghêu từ 50 đến 1.000 con/kg với tổng thiệt hại gần 230 tỷ đồng.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do nắng nóng kết hợp gió chướng thổi nhiều ngày làm tăng độ mặn của nước biển. Và cũng vì xâm nhập mặn, độ mặn trong nước cao nên cũng trong giai đoạn này có 25% diện tích tôm thả (1.000 ha với 150 triệu con) bị chết, làm thiệt hại hàng tỉ đồng. Nhiều hộ dân nuôi tôm khu vực huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông bị mất trắng và không ít hộ dân không dám thả tôm vì sợ thiệt hại. Điều này làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, phát triển kinh tế của tỉnh và chính bản thân người nông dân.
Biến đổi khí hậu với những nghịch lý dị thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Năm ngoái tình trạng hạn hán khốc liệt giữa mùa mưa. Từ đầu năm nay, với những cơn mưa dầm trong mùa khô ở Tây Nguyên đã gây thiệt hại trên diện rộng đối với hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, bơ, sầu riêng và cả các loại cây trồng ngắn ngày khác. Biểu hiện rõ nét nhất là hàng nghìn ha hồ tiêu ở các huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk bị chết. Gần 500 ha sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng bị ảnh hưởng đợt mưa trái mùa, trong đó hơn 150 ha đã chết.
Điều là cây dễ thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhưng năm nay toàn vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ đều bị mất mùa. Tỉnh Đắk Nông có hơn 1.500 ha điều, nhưng năng suất chỉ bằng 1/3 so với niên vụ trước. Nguyên nhân là đang trong mùa khô, cây điều đang ra hoa thì gặp mưa khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Tại 3 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, bọ xít muỗi bùng phát, dịch bệnh thán thư hành hoành khiến hàng nghìn ha điều bị khô cháy, thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng.
Những năm gần đây ở thành phố Đà Lạt liên tục xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ có khi tăng vọt lên 27 độ, mưa đá, lũ quét và nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng bùng phát.
Những tác động của BĐKH gây ra ngày càng nghiêm trọng và không ai có thể xác định được hết những thiệt hại gây ra. Chúng ta không thể chống lại BĐKH, do đó để sống và phát triển bền vững cách duy nhất là phải biết thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 24 về ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết đã mở đường cho triển khai xây dựng và thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách lớn như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả…
Hiện các cơ quan chuyên môn và quản lý của Việt Nam đang hoàn tất những bước cuối cùng, lấy số liệu của hệ thống các trạm quan trắc quốc tế cộng với quan trắc Việt Nam để chuẩn bị ban hành kịch bản BĐKH mới.
BĐKH đòi hỏi nhiều giải pháp ứng phó theo hướng tổng thể, mang tính liên ngành, liên vùng, liên quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động tìm kiếm những mô hình, giải pháp, phương thức giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với những tác động tiêu cực của BĐKH. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách để sẵn sàng triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH.
Chương trình hỗ trợ của Winrock Internatinonal - Một tổ chức hoạt động vì biến đổi khí hậu của Mỹ đối với Việt Nam về vấn đề chống biến đổi khí hậu trong nông nghiệp.
Đây là Dự án này kéo dài 5 năm với các mục tiêu giúp tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho người dân, các khu vực và sinh kế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Các tin khác :
- Chuẩn bị Đại hội Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ III (2024 - 2029) (04/06/2024)
- Diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm hội viên mới (18/03/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm 2 hội viên tập thể (12/03/2024)
- Lễ trồng cây tại Farm Lạc Thủy, Hòa Bình (02/03/2024)
- Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội (09/01/2024)
- THƯ CẢM ƠN (30/10/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập (25/10/2023)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kết nạp thêm 2 hội viên mới (20/09/2023)
- Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát triển thêm hội viên mới (10/08/2023)